Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Bão số 1

Thống kê sơ bộ thiệt hại do bão số 1
Cập nhật: 10:17, Thứ 6, 29/07/2016
Chia sẻ lên twitterChia sẻ lên zing meChia sẻ lên facebookIn bài


(ANTV) - Sau khi đi qua các tỉnh Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình, bão số 1 đã gây ra thiệt hại cho nhiều địa phương. 
Bão số 1 đã đổ bộ vào Thái Bình. Do cường độ mạnh nên đã gây thiệt hại lớn. Theo số liệu thống kê ban đầu, khoảng 39,300 ha lúa bị ngập úng , khoảng 1900ha hoa màu bị dập nát, 9000 cây xanh bị đổ, 50 nghìn ha lúa mùa có nguy cơ mất trắng; gần 10. 000 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Ngay sau bão tan, Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương triển khai công tác cứu hộ. Lực lượng Công an, quân sự, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường quân số xuống các địa bàn trọng yếu, tích cực giúp chính quyền và nhân dân sớm khắc phục hậu quả, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường.
Ở những nơi tâm bão đi qua, nhiều tuyến giao thông bị tê liệt, cột điện, cây xanh bị đổ, nhiều nhà dân và cơ quan, đơn vị, trường học bị tốc mái, hư hỏng nặng. Điện lưới, internet, truyền hình bị gián đoạn đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão.
Tại tỉnh Nam Định, bão số 1 đổ bộ gây nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh Nam Định. Gió giật mạnh kèm theo mưa lớn đã làm tốc mái nhiều nhà dân, lều chòi, làm gãy đổ cột điện, cây cối và ngập úng trên nhiều tuyến đường tại Nam Định.

 
Tại Nam Định có 3 tàu cá với 10 lao động bị chìm tại cửa sông Sò khi đang đi trú bão. Đồn biên phòng Quất Lâm đã cử 6 cán bộ chiến sỹ, 2 phương tiện cứu nạn đưa người trên phương tiện vào bờ an toàn. Ninh Bình, Nam Định bị ngập 110.100 ha lúa (Ninh Bình 36.000 ha; Nam Định 74.100 ha).
Ở Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đều mất điện trên diện rộng nên chưa thể tiêu úng cho các vùng lúa bị ngập. Đặc biệt, tại Ninh Bình, hệ thống lưới điện trung áp 22KV và 10KV bị hư hỏng chưa khắc phục được, toàn tỉnh bị mất điện; hàng nghìn nhà dân bị tốc mái; hàng chục nghìn cây lâu năm bị đổ, trên 34.000ha diện tích lúa mùa mới cấy bị ngập, hàng nghìn ha hoa màu bị hư hại.
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ sáng 28/7, tại Thanh Hóa có 1 người mất tích là anh Phạm Văn Cường, sinh năm 1985 ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa, thuyền viên tàu TH 90298 bị hỏng máy và chìm cách đảo hòn Mê khoảng 3,5km. Trên tàu có 6 thuyền viên, trong đó 5 người đã được tàu TH 90817 đi cùng cứu.
Tại tỉnh Hưng Yên, bão số 1 cũng đã làm cho hàng trăm cây cối bị đổ gãy, mất điện trên diện rộng xảy ra từ 22 giờ ngày 27/7 đến 10 giờ ngày 28/7. Riêng huyện Khoái Châu ước thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng với hơn 5.000 m2 mái che bị tốc tập trung ở các xã An Vĩ, Liên Khê, Thị trấn Khoái Châu; hàng trăm mái tôn bị tốc huyện Tiên Lữ có hơn 10 nghìn tấn Proximăng của các công trình dân dụng bị tốc mái với 800 ha lúa bị ngập trắng; thành phố Hưng Yên có gần 800 ha nhãn bị thiệt hại cùng với nhiều biển quảng cáo trên các tuyến đường bị trơ khung.
Chủ động ứng phó giúp giảm thiểu thiệt hại do bão
Đang trong hành trình chở than từ Hòn Gai xuống Hạ Long, thuyền trưởng Nguyễn Văn Ước cùng các thuyền viên đã nhận được thông tin về cơn bão số một. Ngay lập tức, tàu QN-6009 đã lên kế hoạch, tìm kiếm chỗ tránh trú bão an toàn.
Nếu như không có cảnh báo từ Cảnh sát đường thủy và các cơ quan chức năng, chắc hẳn rất nhiều tàu bè đã gặp khó khăn trong việc tìm nơi neo đậu cũng như phải đối mặt với nguy hiểm khi biển động. Việc tuần tra, tuyên truyền, thông báo tin tức tới từng tàu và thuyền viên như thế này được Cảnh sát đường thủy thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Thiếu tá Trần Quang Trung, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Thứ nhất là phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trong lĩnh vực đường thủy, trong đó là cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa, Chi cục Thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Chúng tôi đã phối hợp để triển khai theo các cái chức năng của các đơn vị đó như là việc quản lý ở các cảng bến rồi các phương tiện tàu cá. Hai là anh em chúng tôi tập trung ngoài việc trực chiến đấu xử lý tình huống bất ngờ, phát sinh. Hai nữa là tổ chức các tổ công tác ra ngoài biển để tập trung tuyên truyền, vận động bà con về nơi tránh trú bão an toàn."

Quảng Ninh luôn là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cơn bão. Lường trước điều này, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã lên kế hoạch, phòng chống bão lũ. Trong đó, lực lượng công an đã triển khai các phương án để giúp các ngư dân an toàn trong mùa mưa bão.
Đến thời điểm này, mặc dù đã tan, song bão số một đã để lại những thiệt hại nhất định ở tỉnh Quảng Ninh. Công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão được lực lượng công an tỉnh triển khai chặt chẽ, tích cực, nhanh chóng giúp người dân có thể ổn định lại cuộc sống hàng ngày.

Thượng tá Bùi Văn Huấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Mặc dù cơn bão số 1 đã không đi vào tâm điểm của Quảng Ninh nhưng cũng để lại một số thiệt hại như là mưa lũ gây úng lụt một số nơi, rồi thì đổ một số cây xanh trên trục đường chính cũng như một số nhà dân. Đặc biệt ở một số huyện miền Đông như Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu và Quảng Hà, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương. Và theo chỉ đạo của đồng chí Giám đốc, chúng tôi đã triển khai quân số đến để giúp nhân dân. Đến giờ phút này đã khắc phục được hậu quả ban đầu do bão lũ gây ra."

Nhờ công tác chuẩn bị từ sớm và chu đáo, lường trước và luyện tập các tình huống có thể xảy ra, lực lượng công an tỉnh Quảng Ninh đã và đang làm tốt công tác khắc phục hậu quả sau bão; đồng thời tăng cường tuyên truyền tới người dân để chuẩn bị đối phó với các cơn bão tiếp theo.

 

BT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét