Thân thế và sự nghiệp Hoàng Ngũ Phúc
Khổng Đức Thiêm
Hoàng Ngũ Phúc, còn gọi là Hoàng Đình Việp, cất tiếng khóc chào đời vào năm Quý Tỵ [1713] trong một gia đình nông dân có truyền thống hiếu học và thượng võ ở làng Phụng Công, tổng Mỹ Cầu, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Phụng Pháp, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Ông sinh ra giữa lúc cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến Đàng Ngoài, của tập đoàn vua Lê – chúa Trịnh bắt đầu chín muồi. Giai cấp thống trị lao vào sống trong sa đọa, bộ máy nhà nước đi vào con đường thối nát, dân chúng rơi vào cảnh lầm than như sau này Ngô Thì Sĩ trong Ngô Ngọ Phong văn tập ghi chép về hiện tình ở mấy phủ huyện thuộc trấn Kinh Bắc phải thừa nhận “đến nỗi dân phải hái rau cỏ, nấu củ nâu để ăn mà cũng không thể sống được. Họ dắt díu nhau đi đầy đường, thây chết đói chồng chất… [ruộng đất] một nửa bị bọn ngoan xảo cướp đoạt, bọn cường hào kiêm tính, một nửa bỏ hoang. Những dân phiêu lưu ruộng phải bỏ hoang, phần nhiều bị bọn thế gia và các làng lân cận chiếm lấy, lập văn khế giả để làm bằng cứ. Thậm chí có khi ruộng đất đã cày cấy hết mà vẫn khai là hoang phế. Dân lưu tán dù muốn trở về cũng không có ruộng cày cấy, mà kiện cáo thì khổ nỗi không đủ sức”.
Khi Hoàng Ngũ Phúc được 1 tuổi [1714], là lúc Trịnh Cương chẳng hề ngó ngàng tới tình cảnh thảm đạm của dân chúng, vẫn bắt hàng ngàn người mấy huyện Gia Định, Lang Tài, Quế Dương ở vùng xuôi trấn Kinh Bắc ngày đêm sửa chữa, tu bổ ngôi chùa Phúc Long thêm phần tráng lệ bên rặng Thiên Thai. Suốt mấy năm liền, bao nhiêu gỗ đá, bao nhiêu gạch ngói, bao nhiêu mạng người ngã xuống mà chúa vẫn chưa ưng ý. Không khí u ám cùng những lời ta thán ngày càng chất cao.
Vào lúc Hoàng Ngũ Phúc 6 tuổi [1719] Trịnh Cương đành cho bỏ dở công trình. Nhưng cũng chỉ được vài năm, tình cảnh lụt lội đói kém lại liên tiếp xảy ra, triều đình phải phát 6 vạn quan tiền công phát chẩn cho những người nào thật thất nghiệp, lưu ly, đói khổ, ốm yếu mỗi ngày một lần, không tự tiện phát gộp 4, 5 ngày một lần như Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn ghi lại, rồi lại đến đê sông Hồng bị vỡ, nửa trấn Kinh Bắc bị ngập lụt, nhà nước phái Hồ Phi Tích điều động dân phu ngày đêm khơi đào kênh Nghĩa Trụ để tháo nước, lấy thóc trong kho chẩn cấp thóc giống, năm sau đê này lại vỡ tiếp, mùa màng của 8, 9 huyện thuộc Kinh Bắc, Hải Dương bị tàn hại. Vậy mà trong suốt mấy năm đó, vào quãng Hoàng Ngũ Phúc 14 tuổi [1727] Trịnh Cương vẫn cho xây dựng hành cung mang tên là Kim Thành ở Cổ Bi thuộc Gia Lâm, trấn Kinh Bắc, vì nơi này có địa thế đẹp, lại gần làng Như Kinh (nay là Như Quỳnh, Văn Lâm – Hưng Yên) – quê mẹ của chúa. Để công trình hoàn thành trong vòng 1 tháng, Trịnh Cương đã hô hào quan lại, hào phú chuyên chở gỗ quý về Cổ Bi, đổi lại chúa sẽ trả tiền và ban tước.
Khi Hoàng Ngũ Phúc 16 tuổi [1729], đê Cự Linh ở Gia Lâm bị vỡ, nước sông Hồng tràn ngập hành cung Kim Thành, Trịnh Cương lại sai dân phu mấy huyện tu bổ hành cung, sửa đường để chúa đi du ngoạn, nhưng chúa vừa từ Phật Tích về đến Như Kinh thì Trịnh Cương bị bệnh chết ngay ở quê mẹ ở tuổi 44, kết thúc 20 năm cầm quyền. Nối nghiệp cha, Trịnh Giang – người mà Nguyễn Công Hãng đã từng dâng mật sớ nói rằng đó là một kẻ ươn hèn, không thể gánh vác được ngôi chúa ngay lập tức đã được bãi bỏ ngôi vua của Lê Duy Phường, giết hại các đại thần là Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, Trương Như.
Vào lúc Hoàng Ngũ Phúc 17 tuổi [1730], Trịnh Giang tự tiến phong là Nguyên soái Thống quốc chính Uy nam vương, tôn bà nội là Thái phi Trương Thị (người Như Kinh, vợ Trịnh Bích, mẹTrịnh Cương) làm Thái tôn Thái phi, Tôn mẹ đẻ (người Mi Thứ, Đường An) làm Thái phi, truy tôn ông ngoại là Tuấn quận công Vũ Tất Tố lên Tuấn trạch công và đích mẫu Trịnh Thị (vợ cả của Trịnh Cương nhưng không có con, đã mất) làm Thái phu nhân, lập đền thờ ở Kinh đô.
Năm Hoàng Ngũ Phúc 18 tuổi [1731], nhật thực xảy ra, Trịnh Giang tước bỏ mọi quan tước của Bùi Sĩ Tiêm – người dâng 10 điều về chính sự với những lời lẽ thống thiết và tâm huyết, chỉ trích những mục nát của bộ máy cai trị lúc bấy giờ. Từ đó trở đi, Trịnh Giang lao vào mê đắm âm nhạc và văn chương. Mỗi khi chúa ra coi chầu, phường nhạc sắp hàng tấu lên réo rắt. Chúa đi tuần du hay xuất hành việc quân, phường nhạc đi trước dẫn đường. Những lúc không có triều hội, các quan văn được vời vào phủ chúa tán tụng thi ca, ngợi khen kiểu chữ, thù tạc ngày đêm khiến Trịnh Giang lúc nào cũng ngất ngây, thỏa mãn, công việc triều chính bị bỏ bễ.
Năm Vĩnh Khánh thứ 4 [1732], Hoàng Ngũ Phúc vừa 19 tuổi. Ở nơi triều chính thì ông bắt đầu được tiến cử và biểu lộ tư chất một chàng trai khỏe mạnh, nghiêm cẩn, đường bệ, có nhiều mưu lược sau nhờ đã tự hoạn nên sớm được sung vào phủ chúa, đảm nhiệm chức vụ Đô chỉ huy sứ, tước Dũng trạch hầu. Ở quê hương của ông khi ấy, giặc giã nổi lên phá phách, kẻ giầu người nghèo không đồng đều, thiếu nợ thuế nhiều không sao nộp đủ, Hoàng Ngũ Phúc dã cùng Tống thái giám Dương Hữu Ân, Tổng thái giám Dương Công Tạo, sinh đồ Hoàng Công Trấn tất thảy là 30 người cùng nhau đóng góp trả nợ thuế cho dân. Tấm lòng cao cả của ông và những người khác làm cho dân làng vô cùng cảm động, tìm cách báo đáp, rồi họp tại đình chung thuận tình cúng tế các vị khi chết và lập bia Phụng Pháp xã đình bi để ghi nhận công lao.
Hoàng Ngũ Phúc bước vào tuổi 23 [1936], Trịnh Doanh, em trai của Trịnh Giang, một văn tài thao lược cũng bước vào tuổi 17, vừa nhận chức Tiết chế thủy bộ chủ quân, chức Thái úy, tước Ân quận công, có phủ Lương Quốc, mỗi tháng 3 lần thay chúa triều kiến bách quan ở Trạch Các bắt đầu tập cai quản việc nước. Thế chúa đã nhận thấy ở viên hoạn quan trẻ Hoàng Ngũ Phúc nhiều năng lực dồi dào, có thể giúp dập mình trong binh đao chiến trận.
Chỉ có mấy năm làm chúa, Trịnh Giang đã dốc không biết bao nhiêu tiền của vào việc tu sửa ngôi chùa Quỳnh Lâm – Sùng Nghiêm, nay nhờ có em trông nom giúp việc triều chính, chúa lại càng ham vui xây dựng chùa chiền, phủ đệ: nào chùa Hồ Thiên trên dãy Bảo Đài thuộc huyện Bảo Lộc, trấn Kinh Bắc, nào hành cung dinh đệ lộng lẫy ở Quế Trạo trên đất Quế Dương cũng ở Kinh Bắc và là quê của Nội giám Hoàng Công Phụ, nơi gần như quanh năm Trịnh Giang đến nghỉ ngơi, ăn chơi trách táng; nào phủ đệ ở Tử Dương – Mi Thứ bên Đường An quê mẹ. Lũ bộ hạ của phủ chúa không quên lợi dụng việc xây dựng để đục khoét, bắt dân khắp nơi cùng chốn phải cung phụng đến mức khuynh gia bại sản. Trong khi đó, ngày ngày chúa mải mê rong ruổi các chốn cổ tự, danh sơn hoặc quẩn quanh loạn dâm cùng các cung nữ của cha. Do bị sét đánh trúng người nhưng thoát chết, Trịnh Giang phải suốt ngày ẩn náu dưới Thưởng Trì Cung, được bọn Hoàng Công Phụ xây ngầm dưới đất ở vùng Hoàng Mai – Thanh Trì, khiến cho lũ hoạn quan càng có dịp lộng quyền.
Khi ấy Hoàng Ngũ Phúc bước vào tuổi 27 [1740]. Trước tình hình triều chính ngày càng nguy ngập, Thái phi Vũ Thị đã cùng triều thần bàn cách đưa Trịnh Doanh lên ngôi chúa – Trịnh Giang bị tước ngôi vị nhưng vẫn sống dưới Thưởng Tri Cung như một cái xác không hồn thêm được 20 năm nữa. Cùng với sự kiện trên, Thái tử của vua Thuần Tông là Lê Hiển Tông cũng lên ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Hưng, Hoàng Ngũ Phúc được cử làm Tả thiếu giám, tước Việp trung hầu.
Năm Hoàng Ngũ Phúc 28 tuổi [1741] từ nạn đói kém ở trấn Hải Dương, cảnh cùng cực đã nhanh chóng lan rộng ra khắp Đàng Ngoài. Việt sử thông giám cương mục mô tả: “Dân lưu vong bồng bế dắt díu nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt. Một trăm đồng tiền không đổi được một bữa ăn. Dân phần nhiều phải sống bằng rau cỏ, đến nỗi phải ăn cả chuột, rắn. Người chết đói ngổn ngang, người sống sót không còn 1 phần 10. Làng nào có tiếng là trù phú cũng chỉ còn 5, 3 hộ mà thôi”. Cả xứ có tới 3.691 làng xóm điêu tàn, trong đó có tới 1.730 làng đặc biệt phiêu diêu, hoang vắng. Nguyễn Tuyển – Nguyễn Cừ nổi dậy đã mấy năm ở Chí Linh – Hải Dương mà triều đình vẫn chưa đàn áp được, khiến Hoàng Công Phụ phải đích thân mang quân đánh dẹp, nhưng khi viên Nội giám vừa mới đặt chân đến huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc thì Nguyễn Quý Cảnh đã đem hương binh vào kinh bảo vệ phủ chúa và chầu vua Lê, giết hết bè đảng của Hoàng Công Phụ, khôi phục thực quyền cho Trịnh Doanh. Chúa mới liền ban hành nhiều quyết định hợp với lòng người, được quần thần và dân chúng ủng hộ, phát huy ngay được hiệu lực. Để yên lòng dân, tăng cường tiềm lực quân sự, Minh vương Trịnh Doanh một mặt cho bãi bỏ thuế dung và một số tuần ty, một mặt đình chỉ việc xây dựng chùa Hồ Thiên ở Bảo Lộc cùng nhiều công trình đang tu bổ khác, tăng cường mộ quân từ vùng Thanh – Nghệ, củng cố ưu binh, thủy binh và hương binh, cho tịch thu nhiều chuông khánh về đúc vũ khí. Ngay sau đó Thống lĩnh trấn Hải Dương là Hoàng Nghĩa Bá đã phá được căn cứ Chí Linh, tiêu diệt được Nguyễn Tuyển – Nguyễn Cừ.
Hoàng Ngũ Phúc bắt đầu sự nghiệp của mình trong đội quân của triều đình, được Trịnh Doanh tri ngộ, thăng lên Nội sai hình phiên. Khi ấy, một thủ lĩnh kiệt hiệt của Nguyễn Tuyển – Nguyễn Cừ còn lại tên là Nguyễn Hữu Cầu, dân gian gọi là Quận He, tiếp tục giương cao ngọn cờ tại căn cứ Đồ Sơn, huyện Thanh Hà, trấn Hải Dương (nay Đồ Sơn thuộc thành phố Hải Phòng).
Năm Hoàng ngũ Phúc 29 tuổi [1742], Nguyễn Hữu Cầu đánh thắng một trận rất lớn tại Lũ Phong, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương (nay thuộc Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) rồi tự xưng là Đông đạo Tổng quốc bảo dân Đại tướng quân.
Năm Hoàng Ngũ Phúc 30 tuổi [1743], được triều đình cử làm Thống lĩnh quân cơ đạo. Ông đã vay tiền công để tự mộ tráng sĩ, dâng 12 điều về quân pháp được Minh Vương đón nhận và cho thi hành. Đầu mùa hè năm ấy, các tướng Hoàng Công Kỳ và Trần Cảnh chỉ huy 29 cơ thuyền hợp lực với đạo quân thủy của Nguyễn Đăng Hiển rầm rộ kéo vào khu vực Đồ Sơn, buộc Nguyễn Hữu Cầu phải rút lui nhưng mấy tháng sau đã quay trở lại bao vây huyện Thanh Hà, khiến Hoàng Công Kỳ và Trấn thủ Hải Dương phải xin triều đình cứu viện. Hoàng Ngũ Phúc được cử đứng ra cầm quân. “khảng khái ra trận, hẹn sẽ dẹp giặc báo nước”. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần – Nhân vật chí: “Tháng 6 [Cảnh Hưng thứ 3, tức tháng 7-1743] Hữu Cầu bao vây Công Kỳ ở Thanh Hà, Ngũ Phúc đem binh lại cứu, hai mặt giáp công, phá tan giặc, rồi đem thủy quân bao vây sào huyện giặc ở Đồ Sơn”.
Tháng 6-1744, Hoàng Ngũ Phúc được bổ sung thêm quân đã mở cuộc tấn công thứ hai vào Đồ Sơn, Nguyễn Hữu Cầu liều chết phá vòng vây, bí mật kéo quân bằng đường sông lên Kinh Bắc, phá thành Xương Giang ở tổng Thọ Xương thuộc huyện Bảo Lộc (nay thuộc thành phố Bắc Giang) rồi xây dựng một chiến lũy chạy dọc sông Thương, kéo dài từ Quế Nham đến Khê Cầu, bày trên 100 chiến thuyền giữa dòng sông, lập nhiều đồn lũy liên tiếp, tạo thành một căn cứ phòng ngự kiên cố. Trấn thủ Kinh Bắc là Trần Đình Cẩm, Đốc đồng Kinh Bắc là Vũ Phương Đề vừa tiến quân đến chợ Chay thuộc xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Việt Yên,tỉnh Bắc Giang) để đánh dẹp liền bị nghĩa quân đánh cho tơi tả, phải lui về giữ trấn thành Kinh Bắc ở Thị Cầu. Nguyễn Hữu Cầu cho quân đuổi theo, vượt sông Cầu vây hãm trấn thành Kinh Bắc. Trần Đình Cẩm, Vũ Phương Đề phải bỏ cả ấn tín chạy thoát về Đông Đô. Nghĩa quân làm chủ toàn bộ khu vực.
Kinh Bắc thất thủ, kinh thành náo động, Trịnh Doanh phải tự thân đốc thúc việc phòng thủ Đông Đô, triệu Hoàng Ngũ Phúc từ Hải Dương về để đàn áp. Ông ngày đêm hành quân trở về, rồi theo sông Cầu, đổ quân lên huyện Võ Giàng án ngữ, dâng thư lên Trịnh Doanh nói rõ:
“Hữu Cầu sau khi tan vỡ trốn tránh, quân ít mà phân tán. Thế dễ phá. May mà thắng được một trận, ý chúng muốn kết liên với đám giặc cỏ [ý nói tàn quân của Nguyễn Tuyển – Nguyễn Cừ] tiến sát sông Nhị. Nay thần đã đóng ở Võ Giàng, chúng muốn đem hết quân tiến lên, lại sợ thần chẹn mặt sau, thế biết rằng chúng không thể làm gì được”[1].
Minh Vương được thư báo, cả mừng. Bấy giờ lòng người mới yên.
Tháng 8-1744, Trịnh Doanh phái Trương Khuông hợp binh với Hoàng Ngũ Phúc lấy lại trấn thành Kinh Bắc. Đại quân chia làm 5 đạo với sự có mặt của 10 đại tướng, 64 tướng liệu và 12.700 quân. Hoàng Ngũ Phúc chịu trách nhiệm chặn đánh ở mạn sông Cầu. Trương Khuông, Nguyễn Trung Thân chỉ huy hai đạo quân theo đường Yên Dũng đánh vào mặt trước. Vũ Tá Liệu, Lê Đệ chỉ huy hai đạo quân đánh vào phía sau. Nhiều nhà hào phú Kinh Bắc nghe tin Hoàng Ngũ Phúc trở về quê hương phá giặc, đã nhất tề hưởng ứng, cung cấp lúa gạo và lương thực cho quân đội triều đình.
Việt sử thông giám cương mục cho biết: “Hữu Cầu giữ nơi hiểm trở đặt quân mai phục, bề ngoài phô trương quân gầy còm để làm ra sức yếu” nên quân đội triều đình vẫn nghi ngại chưa dám đánh ngay.
Cuối năm 1744, Hoàng Ngũ Phúc hẹn với Trương Khuông, Vũ Tá Liệu tấn công nghĩa quân. Trong khi Hoàng Ngũ Phúc chiếm lại được trấn thành Kinh Bắc thì Trương Khuông bị sa vào trận địa mai phục của Nguyến Hữu Cầu tại làng Ngọc Lâm (nay thuộc xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang) bị thiệt hại rất lớn, khiến các đạo quân triều đình còn lại không đánh mà tan. Nghĩa quân chiếm lại thành Xương Giang lần thứ hai, củng cố chiến lũy Quế Nham – Khê Cầu, mở rộng căn cứ và địa bàn hoạt động.
Trịnh Doanh phải cử Đinh Văn Giai thống lĩnh quân đội, Ngô Đình Oánh làm Tán lý kéo lên Kinh Bắc. Một lần nữa Nguyễn Hữu Cầu lại đè bẹp được đạo quân của Ngô Đình Oánh ở Xương Giang rồi nhân đà thắng ào ạt tấn công để lấy lại trấn thành Kinh Bắc, bao vây Đinh Văn Giai đang cố thủ trong thành. Hoàng Ngũ Phúc phải hợp quân với Đàm Xuân Vực, Nguyễn Danh Lệ mới giải vây được. Sau trận này, Hoàng Ngũ Phúc được cử làm Trấn thủ Kinh Bắc kiêm Thống lĩnh Bắc đạo, Tiên phong Tả đô đốc, tước Việp quận công.
Năm Cảnh Hứng thứ 5 [1745] “ông cùng Phạm Đình Trọng hợp binh đánh [Nguyễn Hữu] Cầu ở Xương Giang, phá được, bắt được rất nhiều. [Nguyễn Hữu] Cầu chạy lên Thái Nguyên rồi ra An Quảng dựa vào biển để cố thủ, dùng thuyền nhẹ để cướp bóc, miền đông nam rối loạn. Ông lại đem các tướng [Phạm] Đình Trọng hợp sức đánh, phá tan cả bọn, bắt được tướng ngụy là bọn Thông hơn 10 người, chém và bắt được quân vô kể… Do đó, [Nguyễn Hữu] Cầu thế cùng phải trốn ra, mạn đông nam tạm yên”[2].
Cuối năm 1478, mặc dù bị thua lớn ở Cẩm Giàng trấn Hải Dương, Nguyễn Hữu Cầu đã nhanh chóng tập hợp lực lượng tiến về Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc định vượt sông Hồng đánh vào Đông Đô, nhưng việc không thành, phải lui về Thần Khê thuộc huyện Thanh Lan trấn Sơn Nam (nay thuộc Thái Bình) phối hợp với Hoàng Công Chất.
Cuối năm 1749, Hoàng Ngũ Phúc cùng Phạm Đình Trọng thống lĩnh ba đạo quân liên tiếp đánh thắng Nguyễn Hữu Cầu. Sau nhiều trận đánh bất lợi, tháng 3-1751, Nguyễn Hữu Cầu bị tiêu diệt, chấm dứt hơn 10 năm xông pha chinh chiến. Khi ấy, Hoàng Ngũ Phúc vừa 38 tuổi, lại phải tiếp tục cầm quân đánh dẹp Nguyễn Danh Phương[3].
Đầu năm 1751, sau khi dẹp yên Nguyễn Hữu Cầu, Trịnh Doanh tự mình cầm quân, ban bố 37 điều quân luật tiến đánh Nguyễn Doanh Phương. Bốn đạo quân do Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Nghiễm và Đoàn Chú chỉ huy được điều động đến Sơn Tây. Phan Huy Chú ghi chép lại chặng đường và công lao chinh phạt của Hoàng Ngũ Phúc trong việc đánh dẹp Nguyễn Danh Phương như sau:
“Năm thứ 10 [tức cuối năm Cảnh Hưng thứ 10, đầu năm 1751], Minh vương cho là ba đạo tạm yên, chỉ ở Sơn Tây, Nguyễn [Danh] Phương còn chiếm giữ núi Ngọc Bội [nằm giữa hai huyện Tam Dương và Bình Xuyên] mới quyết ý thân chinh, bèn ủy cho Thống lĩnh [Phạm] Đình Trọng đuổi đánh [Nguyễn] Hữu Cầu ở Nghệ An, mà sai ông [Hoàng Ngũ Phúc] đem quân các đạo đi đánh mạn tây…
Năm thứ 11 [1751], chúa chia đặt bốn đạo quân, sai ông điều động tập hợp tiến đánh. Tháng 12 [tháng 1-1752] đánh phá đồn giặc ở Ức Kỳ.
Tháng Giêng, năm thứ 12 [tháng 2 -1752], tiến quân vây làng Hương Canh, giặc sợ hãi vỡ chạy. Rồi tiến đánh núi Ngọc Bội, quân giặc tan vỡ cả, trốn vào núi Độc Tôn. Ông thúc các tướng tiến sát phá tan được. [Nguyễn] Danh Phương cùng đồ đảng đốt sào huyệt, đêm trốn đi. Tháng 2 [tháng 3-1752], truy nã ở Lập Thạch bắt được [Nguyễn Danh Phương], chúa thu quân thắng trận trở về.
Khi bàn công, ông đứng thứ nhất, gia phong Suy công tuyên lực tán trị công thần, trải thăng Chưởng phủ sự tham dự triều chính, Đại tư đồ kiêm Trấn thủ Sơn Nam”[4] .
Kể từ thời điểm này, Hoàng Ngũ Phúc tạm gác tay kiếm, dốc sức vào công việc cai trị trong hàng chục năm trời.
Lúc Hoàng Ngũ Phúc 49 tuổi [1762], dân làng Phụng Công tự hào là nơi sản sinh danh tướng, đã góp tiền của xây cất sinh từ để thờ phụng ông. Tấm bia Tân kiến Đại tư đồ Hoàng Đãi công sinh từ bi ký do Nhữ Công Toản soạn, Nguyễn Nghiễm nhuận sắc dựng ở sinh từ mới được xây cất, đã ca ngợi ông là người tài hoa, tuấn kiệt, tuy quyền cao chức trọng nhưng không kiêu căng mà khiêm tốn, đức độ, thương yêu người nghèo, thăm hỏi người già cả ốm đau, có nhiều công đúc với dân xã Phụng Công mà điển hình như năm Giáp tý [1744] giặc cướp hoành hành, ông đã cùng dân sửa sang hào lũy, tập hợp đinh tráng ngăn giặc giữ làng. Ông hô hào dân chữa lại cổng làng, giữ gìn của cải, lại khuyên dân không ham cờ bạc, rượu chè, phải có phép tắc và nhân nhượng nhau.
Khi Hoàng Kim Phúc bước vào tuổi 53 [1766], được triều đình ban tặng kim bài có khắc bốn chữ “Dữ quốc đồng hưu” (cùng hưởng yên vui sung sướng với nước).
Mùa xuân năm 1767, Trịnh Doanh qua đời, Tĩnh vương Trịnh Sâm lên thay, “cho ông là bậc danh tướng có công đầu, càng thêm quyến luyến, chú trọng”[5].
Năm Hoàng Ngũ Phúc 57 tuổi [1770] triều đình lại cử ông đi đánh dẹp phong trào Lê Duy Mật, “ông ngày đêm dự bàn, điều binh khiển tướng, công bày mưu kế rất nhiều”[6]. Theo mưu chước của Hoàng Ngũ Phúc, quan quân tìm mọi cách mua chuộc Thế Thiều – một thủ lĩnh tài ba và là con rể của Lê Duy Mật, mở cửa đồn Trình Quang để quan quân tiến vào căn cứ, chấm dứt cuộc đối kháng kéo dài 32 năm (1739-1770).
Năm 1774, Hoàng Ngũ Phúc 61 tuổi – theo âm lịch thì “ông đã 62 tuổi, xin về hưu, chúa thấy là bậc công lao cũ cho về, ban hiệu là Quốc lão, càng thêm yêu quý”[7]. Chưa kịp nghỉ ngơi, “khi nghe triều đình Đàng Trong có biến Tây Sơn[8], chúa triệu hồi ông đến bí mật bàn cất quân, ông nói: – Việc biên giới là hệ trọng, nếu không được vạn toàn không nên làm! Chúa cho là thời cơ cần phải nhanh chóng, không thể chậm trễ, mới sai ông lại ra cầm quyền, phong Thượng tướng quân, thống lĩnh quan quân 33 dinh, đến Nghệ An xếp đặt mọi việc, cho được tùy tiện làm việc. Khi ông đến biên giới cùng Đốc suất là Bùi Thế Đạt bàn bạc chuyện chọn người”[9]. Trước khi lên đường, Trịnh Sâm gửi cho ông một bức thư căn dặn cặn kẽ:
“Ông đến Nghệ An, nên tùy cơ mà trù tính, định liệu, trước hết đưa thư cho các tướng giữ biên giới, nói thác rằng: việc hành quân này chỉ cốt phòng bị giặc Tây Sơn chạy trốn. Nói như thế để thăm dò tình hình của họ. Nếu họ đã bình định được giặt Tây Sơn, thì lại đưa thư đề đạt ý chí rồi dẫn quân về, đừng làm cho họ sinh nghi, lại gây hấn khích ở nơi biên giới”[10].
Hành quân đến Dinh Cầu (còn gọi là dinh Hà Trung thuộc Kỳ Anh – Hà Tĩnh ngày nay), Hoàng Ngũ Phúc tuân thủ đúng theo ý đồ chiến lược của Trịnh Sâm “đưa thư bảo cho Phúc Thuần biết ý triều đình đến cứu vớt. Phúc Thuần sai Phúc Loan làm thư trả lời. Việp quận công lại đưa thư trách và gửi hịch kể tội Phúc Loan chuyên quyền làm bậy. Phúc Thuần chưa chịu đầu hàng cũng không sửa soạn đánh giữ”[11].
Tháng 12 -1774, Trịnh Sam tâu với vua Lê cho làm lễ cáo Giao miếu, tự mình đem 6 quân đi đánh miền Nam và ra chỉ dụ nói rõ ý đồ thống nhất giang sơn của mình và tuyên dương công trạng của Hoàng Ngũ Phúc như sau:
“Các xứ Thuận Hóa, Quảng Nam ở nơi ven biển, năm trước Thủ tướng [Trấn thủ] là Phúc Nguyên cậy thế hiểm xa, dám cầm quân không chịu vào chầu; dòng dõi là Phúc Tần lại đóng cửa không chịu theo mệnh. Các triều vừa đánh vừa dẹp vừa vỗ về, chỉ tỏ ý ràng buộc, đã từng đóng quân ở Kỳ Hoa, bày đồn ở Bồ Chính. Cũng muốn treo cờ ở núi Ải Vân, cho ngựa uống nước ở sông Bình Giang [Lệ Thủy – Quảng Bình] nhưng chưa có cơ hội, còn phải đợi thời. Ta nay nối theo mối cả, mong mở mưu xưa, chỉn nghĩ bốn cõi hơi yên, trăm họ chưa giầu, chỉ muốn nuôi dân, không muốn đánh dẹp. Nhưng dòng ngụy là Nguyễn Phúc Thuần hèn yếu không biết gì, ngụy Quốc phó là Trương Phúc Loan chuyên quyền hung bạo, chính phiền thuế nặng, lòng người phản, kẻ thân lìa, giặc man xâm lăng, sinh dân khốn khổ, chính là cơ hội đánh kẻ hèn ngu, lấy nước suy loạn. Vậy sai Việp quận công thống nhất tướng sĩ ra biên thùy, còn đưa thư bảo ban, ân cần dạy dỗ, mong nó biết hối cải thì sẽ bao dung, cốt sao tỏ lòng yên vỗ người xa, cho hợp đức hiếu sinh của thượng đế. Nhưng nó cứ mê muội không tỉnh, bị che lấp nhiều tầng, nên biến trá trăm đường, tội không tha được. Vậy phải thân đem đại quân, thay trời phạt tội, chia sai chư tướng, thẳng đến Ô Châu, tùy thế ứng cơ, ra oai tỏ đức để giết giống địch cường lương, cứu dân tàn trông ngóng. Nghĩ các phủ huyện hai xứ, vốn thuộc bản đồ, chìm đắm cõi khác đã hơn trăm năm, nay lòng trời mở kỳ hợp lại, mà tổ tông ban phúc yên lành, cho nên quân thánh đến đâu thì hang núi đều tươi, giỏ cơm bầu nước đầy đường, hào nóng thành vàng mất hiểm. Lưới săn chăng bốn mặt, cứu cánh phải cùng đường, oang võ vang trời, tiếng nhân dậy biển. Ngay như dòng họ Nguyễn bị bắt thì cũng thương là dòng dõi thế huân mà không bắt tội xưa, vẫn cho vỗ về để được sống trọn”[12].
Trịnh Sâm tiến đóng dinh Hà Trung, chỉ bày phương lược, sai chạy báo cho Hoàng Ngũ Phúc tiến quân qua sông Gianh, đúng vào thời điểm “Thuận Hóa bị đói to, mỗi lẻ gạo trị giá một tiền, ngoài đường có xác chết đói, người nhà có khi ăn thịt nhau”[13].
Khi Hoàng Ngũ Phúc qua sông Gianh, Nguyễn Phúc Thuần sai người đến khao quân đội Đàng Ngoài, xin tự đi đánh Tây Sơn nhưng có người lại ngầm mách nước để Việp quận công tiếp tục tiến đánh Bố Chính[14]. Sau khi chiếm Lưu Đồn, đóng lại Hồ Xá Hoàng Ngũ Phúc truyền hịch:
“Tả tướng Trương Phúc Loan khí cục nhỏ hẹp như cái thưng, cái đấu, tâm địa gian tà như quỷ như ma. Vin bán khuê khổ tình thân, trộm lấy triều đình trọng chức. Tin dùng kẻ gian nịnh, hãm hại người trung lương. Ly gián người cũ người thân, chuyên kế gây bè lập đảng. Chiêu nạp thêm vây thêm cánh, tự tính mưu lợi riêng mình. Giết người nọ lập người kia, nguy hiểm như lang sói bên cạnh nách; thẳng tay làm khổ trăm họ, vẻ mũ xiêm mà hóa giống chim muông. Nặng thuế khóa nặn máu mủ dân, bớt lương quân để cắt nanh vuốt. Chính sự cấp bách như lông mày bị đốt, hình phạt nặng nề nhường con mắt bị đâm. Chuốc oán với dân gây ra mối loạn. Đến nỗi Tây Sơn là bọn dân hèn, tụ tập như đàn ong lũ kiến, chiếm đất Quảng Nam màu mỡ, nhanh chóng như lợn sổ lang rông. Quạt lửa giặc bùng ngút trời, khiên dân biên lầm bùn đất. Vậy nay, nhân dân chúng đương mong sống lại, kéo đội quân đang sẵn sức hăng. Trước trừ đứa cường thần, sau dẹp phường nghịch tặc. Diệt kẻ tàn bạo, để giúp nạn họ hàng, nối mối giữ riềng, để bảo tồn dòng dõi. Giúp nạn thực do nghĩa cử, không phải lòng tham thừa nguy”[15].
Bài hịch vừa ban ra, các quần thần của chúa Nguyễn là Tôn Thất Huống, Nguyễn Cửu Pháp đã hội bàn, bắt Trương Phúc Loan nộp cho Hoàng Ngũ Phúc. Khi đến Đăng Xương, ông được một học trò là Trần Duy Trung chỉ rõ sở trường sở đoản của quân Đàng Trong, bèn gửi thư cho chúa Nguyễn nói rằng việc Tây Sơn chưa xong, xin hợp quân ở Phú Xuân để tiện sách ứng. Chúa Nguyễn lại sai người đưa tờ tâu khải, dâng 800 lạng vàng cho chúa Trịnh, biếu Việp quận công 200 lạng vàng, xin nộp bản đồ sổ sách để giữ chức cống.
Tháng 1-1775, Hoàng Ngũ Phúc sai Nguyễn Đình Khoan, Hoàng Phùng Cơ vượt sông Độc Giang, đánh thắng Tô Nhuận, chiếm 30 voi và hơn 100 con ngựa rồi qua Thác Ma, Thác Thần làm cầu phao qua sông Bái Đáo. Nguyễn Phúc Thuần bỏ cung phủ, đem vàng bạc châu báu và cậu bé Nguyễn Phúc Ánh (sau này là Gia Long) lợi dụng đêm tối ra cửa Tư Dung. Hoàng Ngũ Phúc cho Hoàng Đình Thể đi trước giữ bốn cửa thành Phú Xuân, niêm phong kho tàng.
Đầu tháng 2-1775, Hoàng Ngũ Phúc đem đại quân vào thành Phú Xuân. “Người họ Nguyễn là quận Chiêm, quận Thặng hơn trăm người đều quy thuận, văn quan võ tướng đều lại đón hàng. Việp quận công tuyên chỉ vỗ về úy lạo, yết bảng chiêu an. Quan lại sĩ dân ở yên như cũ; chợ không đổi hàng, cả miền vui vẻ nói rằng: – Không ngờ hai trăm năm nay lại trông thấy áo mũ triều đình!”[16].
“[Việp quận công] sai bọn Đình Thể đuổi kịp Phúc Thuần. Phúc Thuần cùng bầy tôi là Nguyễn Huống, Nguyễn Kính, Nguyễn Trí lại bỏ thuyền đi đường núi qua núi Ải Vân, ẩn ở trong chùa 3 ngày. Những người đi theo đều chạy tan cả. Quan quân tranh nhau lấy vàng ngọc không đuổi tới cùng. Phúc Thuần bèn chạy đến Quảng Nam, vào nhà Tả tướng quân Nguyễn Hữu Du, rồi vào dinh Quảng Nam, sửa soạn sắp đặt”[17].
“Chúa sai Việp quận công kiêm lĩnh chức Trấn phủ xứ Thuận Hóa, mở đường trạm, san bằng lũy cũ ở Bố Chính và Khang Lộc, chở thóc gạo đi đường biển và đường kênh để cấp lương cho quân; cấm đoán cướp bóc, khoan miễn tô thuế, xét hỏi tật khổ, tìm dùng người giỏi, tạm lấy người Thuận Hóa làm Huyện lệnh. Người họ Nguyễn cùng các hàng tướng, hàng thần thì đều ủy lạo, khiến ở yên.
Tháng 2 [3-1775] ngự giá rút quân về kinh. Sai Việp quận công tiến lấy Quảng Nam. Tháng 3 [4-1775], Việp quận công sai Đoan quận công [Bùi Thế Đạt] đóng giữ Phú Xuân, chia quân làm hai đạo, qua Ải Vân đánh phá đồn Cu Đê, [Nguyễn] Phúc Dương chạy. Ngày 5 tháng 4 [5-1775] bắt được mẹ và vợ Phúc thuần cùng đồ đảng và binh khí rất nhiều. Các thống binh, tổng binh, cai cơ, cai đội, tham mưu, ký lục đều đến hàng theo”[18].
Nguyễn Phúc Thuần xuống thuyền theo đường biển chạy vào Gia Định, bị gió dữ dạt vào Vũng Lãm. Khi đến Long Hồ, Nguyễn Hữu Du, Nguyễn Kính, Nguyễn Huống cùng 16 thuyền đi theo bị đắm chết.
Trong hai tháng 6 và 7-1775, Hoàng Ngũ Phúc sai Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ tiến đánh Tây Sơn. Nguyễn Nhạc đem hơn 6.000 quân, hơn 30 thớt voi chia làm 5 chi, cho quân “đầu đội khăn đỏ, ở trần, xông vào chém bừa, không đợi thành trận”[19]. Nhưng quân Đàng Ngoài sẵn có tiết chế, quân Tây Sơn dẫu có hỗn đấu, quan quân vẫn nghiêm không động. Hoàng Đình Thể thúc tượng binh tiến đánh, quân Tây Sơn tan vỡ, chỉ còn một chi ở đằng sau, giương cờ đánh trống ở trong rừng làm nghi binh, ngầm phục ở Biều Mang để đánh tập hậu nhưng cũng thất bại. Hoàng Ngũ Phúc cho quân thu phục dinh trấn Quảng Nam, tuyên dương đức ý của triều đình, phủ dụ dân bốn phương. Nguyễn Nhạc sai người đến gặp Hoàng Ngũ Phúc xin dâng voi ngựa, vàng ngọc và ba phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên để hàng, xin làm tiền khu cho đại quân đánh dẹp Gia Định. Hoàng Ngũ Phúc cho Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn trại trưởng, hiệu Tráng tiết tướng quân.
Tháng 8-1775, Hoàng Ngũ Phúc tiến quân đến đóng ở Châu Ổ huyện Bình Sơn. Nguyễn Nhạc sai người đến tạ ơn, xin ban khôi giáp, tiến cử Nguyễn Huệ. Hoàng Ngũ Phúc ban mũ áo, cho Nguyễn Huệ làm Tiên phong tướng quân.
Tháng 9-1775, Quảng Nam bị bệnh dịch, binh sĩ ốm đau nhiều, Hoàng Ngũ Phúc xin lui quân về Thuận Hóa nhưng Nguyễn Lệnh Tân, Nguyễn Đình Đống xin đóng đồn ở Châu Ổ, Nguyễn Nghiễm muốn đóng quân ở dinh Quảng Nam và đặt quan Trấn thủ. Hoàng Ngũ Phúc không nghe, bỏ hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Tháng 11-1775, Hoàng Ngũ Phúc lui quân về Phú Xuân, dâng khải nói rằng:
“Trong thiên hạ cái đáng lo nhất không gì bằng sức không đủ mà làm gượng. Dẹp yên Thuận Hóa cũng đủ nổi vang danh. Nay quân sĩ phục dịch đã lâu năm, mà người chuyển vận lương lại mỏi mệt, xin đặt Quảng Nam ra ngoài không nghĩ đến, để sẽ mưu tính sau. Xin chọn người sai ra làm trấn thần, để một số quan quân đóng giữ Thuận Hóa, cho việc quân nhẹ bớt, thiên hạ nghỉ ngơi. Sau một hai năm có của có sức, lại bàn tính đến. Bấy giờ sẽ dễ làm”[20].
Có lẽ đây là điều đáng tiếc lớn nhất trong cuộc đời chinh chiến mấy chục năm của Hoàng Ngũ Phúc. Nó đã làm tuột mất cơ hội ngàn năm có một để ông thực hiện mơ ước và trở thành nhân vật lịch sử đầu tiên góp phần quan trọng trong việc thu giang sơn về một mối. Giá ông nghe Nguyễn Nghiễm hoặc không bị tái phát bệnh bại liệt như Phan Huy Chú ghi nhận, giá như dịch bệnh và đói kém ở Quảng Nam không bùng phát hoặc như Trịnh Sâm không rút quân về kinh vội và không theo lời ông “đổi bọn Đoan quận công Bùi Thế Đạt đến xếp đặt việc biên cương, cho ông về kinh chữa bệnh” thì biết đâu sự nghiệp thống nhất đất nước đã đến từ những năm 70 của thế kỷ XVIII, chứ không phải đợi đến Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh thay nhau thực hiện điều này.
Tháng 1-1776, Hoàng Ngũ Phúc rời Phú Xuân.
Tháng 2-1776, khi nghỉ lại trên thuyền đóng ở Vĩnh Dinh – Nghệ An, Hoàng Ngũ Phúc qua đời, thọ 64 tuổi.
Tổng kết cuộc đời và sự nghiệp của ông, Phan Huy Chú viết rằng: “Ngũ Phúc làm tướng nghiêm chỉnh chắc chắn. Khi có việc thì quyết đoán, đối với ai cũng có lòng tin. Khi hành quân thì chuộng kỷ luật, giữ vững sự thận trọng mà không cầu may. Hiệu lệnh lại nghiêm minh, kẻ phạm tội không hề cầu cạnh để xin tha. Ông đánh đông dẹp tây, công danh rực rỡ, là bậc đại tướng có huân lao danh vọng. Nhà nước cậy dựa nhiều vào ông. Khi ông chết, được phong phúc thần hạng trên, được phối hưởng trong cung miếu của chúa”[21].
Phan Huy Chú đánh giá công lao hơn 40 năm ra vào sinh tử và cai trị dân tình của ông vào một vài chục câu chữ trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí. Không có chữ nào, dòng nào có thể bị coi là thừa. Ngay cả sự soi mói của vua tôi nhà Nguyễn cũng khó tìm ra lỗi nào có thể chê bai được. Sách Đại Nam thực lục – Chính biên, Q.XLVIII ghi lại một sự kiện vào tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 8 [11-1827] như sau:
“Sai Văn thư phòng tiến lãm bộ Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú dâng. Vua quy hỏi Phan Huy Thực rằng: – Sách này Chú tự soạn thuật hay là sưu tập sách sẵn của các nhà? Tâu rằng: – Cũng có tìm xa lấy rộng! Vua nói rằng: – Sách này soạn thuật dẫu khéo, nhưng lập ngôn thường thường bênh vực họ Trịnh thì kiến thức cũng quê”.
Câu chuyện trên càng cho thấy cái nhìn đúng đắn của Phan Huy Chú nhưng cũng cho thấy một sự thật, nhà Nguyễn hết sức thâm thù bầy tôi tài giỏi của chúa Trịnh nhưng không thể phủ nhận được công lao của họ, trong đó Hoàng Ngũ Phúc là người đã góp phần vào việc làm sụp đổ sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong giúp Tây Sơn sau này dễ dàng đi đến thắng lợi. Chính vì lẽ đó mà Gia Long, người bị Hoàng Ngũ Phúc đánh đuổi phải chạy vào Quảng Nam, Gia Định đã trị tội cả những người đề cao ông. Đại Nam thực lục – Chính biên,Q.XLII đã ghi lại như sau:
“Lại có tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc năm Giáp Ngọ vào lấn phương Nam, khi về bị chết đường, người Trịnh phong làm phúc thần. [Đặng] Trần Thường trước ở thành tào [ngoài Bắc thành] giấu việc ấy đi, liệt dẫn vào điển thờ, [Nguyễn] Gia Cát theo mà gia tặng là Thanh danh văn võ thánh thần đại vương. Đến khi việc phát giác, Trần Thường sợ hãi, xin chịu tội. Vua [Gia Long] nói: – Đăng trật cho bách thần là điển lễ lớn ở buổi đầu của nhà nước. Bọn ngươi làm gian trá, dối người khinh thần, không tội nào lớn bằng. Vả cuộc biến loạn năm Giáp Ngọ, Hoàng Ngũ Phúc chính là thủ ác, nay lại cất lên mà cho là thần, thế chẳng phải là bán tước sao. Việc ấy còn nỡ làm thì việc gì chẳng nỡ”.
Khi nghị luận, cả hai người kể trên đều bị Gia Long khép vào tội giam hậu. Tuy nhiên, con người tài năng trác việt như Hoàng Ngũ Phúc thì dù muốn hay không nhà Nguyễn không dễ gì phủ nhận. Vào năm Minh Mệnh thứ 11 [1830], ông vua này bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn đối với con cháu của Hoàng Ngũ Phúc và tất nhiên cũng mới dừng lại ở đó. Đại Nam thực lục – Chính biên, Q.LXIX ghi lại như sau:
“Bắc thành lấy học trò trong hạt thành là bọn Hoàng Bỉnh Di và Ngô Thập sung vào ngạch cống cử, Bộ lễ tâu rằng Bỉnh Di là dòng dõi Hoàng Ngũ Phúc, Thập là em Ngô Hiệu. Ngũ Phúc có tội với bản triều. Hiệu thì có tên trong sổ ngụy. Di, Thập không nên cho đứng ngang hàng với kẻ sĩ áo xanh. Vua bảo rằng: – Nhà nước đã có thể thống, hà tất bo bo giữ hình tích cũ làm gì. Vả bội nghịch vô đạo như Tây Sơn còn không nỡ giết cả họ, nữa là Hoàng Ngũ Phúc và Ngô Hiệu, tội chỉ ở bản thân nó, chứ con cháu thân thuộc có can gì. Không nên quá câu nệ. Hoàng Bỉnh Di và Ngô Thập có thể đều cho Giám thần xét hạch, nếu dự trúng cách thì cũng cho học ở Quốc Tử Giám”.
Đã gần hai thế kỷ rưỡi qua đi kể từ ngày Hoàng Ngũ Phúc nằm xuống. Việc đánh giá công lao cũng như gia tặng ông như Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát đã làm cần được tiến hành như một cách đầy đủ và nghiêm túc. Thân thế và sự nghiệp của ông cần được nêu cao. Hy vọng một ngày nào đó, thành phố Bắc Giang sẽ có một đường, một phố hay một công viên mang tên Hoàng Ngũ Phúc. Sẽ có một tập sách chuyên khảo về thân thế, sự nghiệp của ông, bởi đó cũng là niềm tự hào của các thế hệ ngày nay, không riêng gì Bắc Giang – quê hương thân thiết của ông. Không nên vì ông đã can dự vào việc đánh dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó có phong trào Tây Sơn mà chúng ta thiếu đi cái nhìn cởi mở và đầy đủ về ông. Việc giới sử học bày tỏ lòng thành kính đối với nhiều nhân vật lịch sử có hoàn cảnh tương tự như ông gần đây (như Nguyễn Công Trứ chẳng hạn) là một thí dụ.
Hà Nội, tháng 4 năm 2009
Chú thích:
[1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Nhân vật chí), Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960, tr.283.
[2] Phan Huy Chú, Sđd, tr.283.
[3] Cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Danh Phương cầm đầu nổ ra cùng thời với cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu, có căn cứ ở Tam Đảo, trấn Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), Hoàng Ngũ Phúc đã chạm trán năm 1748 khi triều đình cử ông đem quân đi đàn áp.
[4] Phan Huy Chú, Sđd, tr.284.
[5] Phan Huy Chú, Sđd, tr.284.
[6] Phan Huy Chú, Sđd, tr.284.
[7] Phan Huy Chú, Sđd, tr.284.
[8] Sách Đại Nam thực lục – Tiền biên, Q.XI cho rằng: “Thủ tướng [Trấn thủ] Nghệ An của Trịnh là Bùi Thế Đạt dò biết Quảng Nam có loạn, báo cáo với Trịnh. Trịnh Sâm bàn bạc việc lấn miền Nam (có thuyết nói Tôn Thất Văn, con Tôn Thất Dục, oán Trương Phúc Loan, lần ra Bắc mách bào việc nước [ta]. Trịnh Sâm biết nước ta trong có quyền thần, ngoài có giặc Tây Sơn), bèn quyết ý cử binh”.
Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục mà ông ghi chép hai năm sau đó, khi được triều đình cử làm Hiệp trấn thủ, đặt nha môn, sửa thành lũy, đóng thêm trọng binh để khống chế một phương cho biết: “Năm 35 [1774], Giáp Ngọ, tháng 5, Trấn thủ Nghệ An là Đoan quận công Bùi Thế Đạt đệ lên tờ báo cáo của Trà vũ bá là tướng đồn Bố Chính đại khái nói về tình hình rối loạn ở Quảng Nam. Bấy giờ triều đình đã dẹp yên Hưng Hóa [tức Hoàng Công Chất], đánh được Trấn Ninh [chỉ Lê Duy Mật] thế nước rất thịnh. Chúa thượng đã biết rõ họ Nguyễn suy yếu, có cơ hội lấy được, thấy tờ khải của Đoan quận công, đang đêm cho gọi Chưởng phủ Đại tư đồ Quốc lão Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc và Tham tụng Đại tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm vào bàn, đều nói rằng nên đánh. Bèn quyết kế đi đánh. Tức thì sai Việp quận công Bùi Thế Đạt làm Kiêm đốc suất bình Nam Đại tướng quân đi kinh lược trước”.
Tạ Chí Đại Trường trong Việt Nam thời Tây Sơn, lịch sử nội chiến 1771-1802 gộp tất cả các nguyên nhân như sau: “Chính viên Trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Đạt vừa dự vào trận Trấn Ninh đã phi báo cho chúa Trịnh rõ. Đồng thời nguồn tin loạn Tây Sơn và việc Trương Phúc Loan chuyên quyền gây rối cũng được chính các nạn nhân của Loan, con Tôn Thất Duệ, Tôn Thất Văn chạy ra Thăng Long báo cáo tỏ tường”.
[9] Phan Huy Chú, Sđd, tr.284. Đại Nam thực lục – Tiền biên, Q.XI cho rằng chỉ có 23 dinh và binh thủy bộ Thanh Nghệ và Đông Nam. Việt sử thông giám cương mục, Q.44 nói quân có 33 dinh, 3 vạn người. Phủ biên tạp lục nói là Việp quận công đem 3 vạn quân. Một lá thư của Labartette viết ngày 26-1-1775 cho biết độ 13-14 ngàn quân (dẫn theo Tạ Chí Đại Trường).
[10] Việt sử thông giám cương mục, Q.44.
[11] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.72. Theo Phan Huy Chú, sđd, thì: “Bấy giờ triều đình Đàng Trong có Trương Phúc Loan do ngoại thích [chúa Nguyễn] chuyên quyền, tính tham lam bạo ngược, gây nên loạn [Tây Sơn]. Ông nhân lúc dân đang căm tức, mới truyền hịch kể tội, phao rằng vì dân trừ bỏ kẻ đại ác rồi mới trừ giặc [Tây Sơn] sau”.
Đại Nam thực lục – Tiền biên, Q.XI ghi: “Tháng 5 [6-1774] Trịnh đem đại quân đến lấn. Sai tướng là Hoàng Ngũ Phúc làm Thống tướng… Phúc tiến binh đến Hà Trung, đưa thư nói lấy danh nghĩa vì thân thích nhiều đời có công nên đem quân giúp để diệt giặc. Chúa biết là nói dối, sai viết thư đáp lại, rồi sai Tống Hữu Trường làm Thống suất đạo Lưu Đồn, Tôn Thất Tiệp làm Trấn thủ dinh Bố Chính để chống quân Trịnh”.
Tạ Chí Đại Trường, sđd thì viết rằng: “Hết sức dè dặt, Trịnh Sâm cũng phái vào một đạo quân lớn do Việp Hoàng Ngũ Phúc cầm đầu và các danh tướng của Trịnh còn giữ những vai trò quan trọng sau này: Phó tướng Bùi Thế Đạt, Thuộc tướng Hoàng Phùng Cơ, Hoàng Đình Thể, Hoàng Đình Bảo. Đến Hà Trung, Phúc khôn ngoan nghe theo lời dặn của Trịnh Sâm biên thư cho Nam Hà mượn tiếng dẹp giặc. Đi sâu vào cương giới, ông cũng áp dụng chính sách chia rẽ đó: một bài hịch dài kể tội Trương Phúc Loan được ban bố ra. Thực ra, Hoàng Ngũ Phúc chỉ xô một bức tường đã hư nát rồi. Nam Hà không còn có được ý chí đoàn kết của trăm năm về trước nữa. Mầm mống rối loạn bên trong đã làm cho lòng dân phân tán”.
[12] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, đd, tr.72-73.
[13] Đại Nam thực lục – Tiền biên, Q.XI.
[14] Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục mô tả: “Việp quận công theo lũy Trường Dục di về phía tây nam đến Dinh Trạm (dinh Quảng Bình cũ ở làng An Trạch – Lệ Thủy) được thóc kho 1.400.000 bát. Tướng sĩ Dinh Cát đều dến đầu làng. Năm sáu huyện từ Phong Lộc đến Hải Lăng, quân dân lớn nhỏ đến đón tiếp ở cửa quân đông như chợ, không một người nào dám kháng cự. Việp quận công tùy nghi trấn phủ, cấm đoán cướp bóc, quân lệnh nghiêm túc, người reo mừng và đều yên nghiệp.
[15] Việt sử thông giám cương mục, Q.44.
[16] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.75-76.
[17] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.75-76.
[18] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.75-76.
[19] Phan Huy Chú, Sđd, tr.284.
[20] Phan Huy Chú, Sđd, tr.284.
[21] Phan Huy Chú, Sđd, tr.285.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét