Gặm nhấm quá khứ không phải con đường trị quốc
“Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện. Nếu không có những yếu tố đó, mọi sự đổi mới đều bị kìm hãm, bị đánh lạc và bị chuyển sang một quỹ đạo khác” – GS Trần Ngọc Vương.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu kì cuối tọa đàm nhân dịp 70 năm thành lập nước với chủ đề “Từ cuộc cách mạng xác lập nền dân chủ, nghĩ về Việt Nam giàu mạnh” với sự tham gia của GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQG, Hà Nội và GS Trần Ngọc Vương, Giảng viên khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Nhà báo Lan Anh: Trong 70 năm qua, chúng ta có thể chia ra làm hai giai đoạn: trước đổi mới và sau đổi mới. Từ những bài học thực tiễn hiện nay thì theo các vị, tầm nhìn và sự quyết đoán của lãnh đạo đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong sự phát triển của dân tộc trong việc mang lại hạnh phúc cho người dân?
GS Vũ Minh Giang: Tầm nhìn và quyết đoán là hai phẩm chất có quan hệ chặt chẽ với nhau của người làm lãnh đạo. Tầm nhìn là sự lường tính những điều chưa xảy ra để tính toán các khả năng sẽ diễn ra trong tương lai gần. Muốn có được nó, ta phải biết được quy luật phát triển và vận động của xã hội.
Tính quyết đoán liên quan đến phẩm chất khác của người lãnh đạo. Phân tích được thực trạng trước một diễn biến nào đó, từ đó đưa ra các phương án khác nhau và chọn một phương án phù hợp nhất.
Khi nhìn lại 70 năm, việc phân chia làm hai giai đoạn trước và sau đổi mới cũng là hợp lí.
Gs Vũ Minh Giang: "Cần có cái nhìn tỉnh táo về bạn và thù". Ảnh: Phạm Hải |
Giai đoạn trước đổi mới, năng lực về tầm nhìn của người lãnh đạo trong việc dự báo những tình huống quân sự để đề ra những chủ trương, đường lối kháng chiến có thể nói là rất xuất sắc và đã đưa ra được những quyết định táo bạo. Chúng ta đã chấp nhận tiến hành một cuộc đối đầu với siêu cường số một thế giới mà phần thắng cuối cùng đã thuộc về Việt Nam. Chiến thắng anh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã khẳng định những quyết sách ấy là đúng đắn.
Tuy nhiên, cũng chính trong thời kì đó, tầm nhìn của chúng ta về mô hình kinh tế, về tổ chức xã hội có thể coi là yếu.
Chúng ta đã dồn sức xây dựng khu gang thép Thái Nguyên bằng tư duy ưu tiên phát triển công nghiệp nặng với hi vọng sẽ có một nền công nghiệp đặt nền tảng cho sự phát triển kinh tế, trong khi đời sống nhân dân còn đang vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Kết quả là, ta đã không có nền luyện kim ra hồn.
Chúng ta đã không làm được như Hàn Quốc. Chỉ với vài trăm triệu đô la được bồi thường chiến tranh của Nhật Bản, họ đã xây dựng được POSCO, một tập đoàn thép ngang tầm thế giới.
Một câu chuyện khác về tổ chức mô hình đưa các nước tiến nhanh tiến mạnh lên sản xuất lớn trong nông nghiệp thông qua việc đẩy mạnh quá trình tập thể hóa nông nghiệp. Chúng ta tưởng rằng làm ăn lớn như thế, sản xuất lớn như thế thì sẽ dư giả lương thực thóc lúa. Khi cả nước tiến lên nền sản xuất lớn trong nông nghiệp theo hướng xậy dựng các hợp tác xã cấp cao (quy mô lớn) và các nông trường quốc doanh. Kết quả là ta lâm vào khủng hoảng và đói nghèo.
Đổi mới do Đảng khởi xướng chính thức từ năm 1986 lại là một thí dụ khác về tầm nhìn. Lãnh đạo của chúng ta đã nhìn ra những khuyết tật và hạn chế để quyết tâm đổi mới.
Nhân đây tôi muốn nói về những đánh giá mới của giới học giả về tầm quan trọng của cải cách, gắn với tầm nhìn. Tôi từng tham dự một hội nghị quốc tế nhân kỷ niệm 200 năm cách mạng tư sản Pháp. Tại đây giới sử học đưa ra một luận điểm mới và lạ. Họ đánh giá cao những cuộc cải cách trong lịch sử, trong đó cải cách Meiji được phân tích rất nhiều. Thậm chí họ còn cho rằng con đường cải cách là cách đi thông minh và cần tới tầm nhìn của giới lãnh đạo, biết mình lạc hậu để cải đổi. Cách mạng bùng nổ ra khi chính quyền cản trở sự phát triển, không chịu đổi thay nên bị lật đổ.
Đổi mới ở Việt Nam là một cuộc cải cách sâu sắc.
Năm 2009, tôi lại có một cơ may khác, được diện kiến Thủ tướng Lý Quang Diệu khi ông đến Việt Nam. Điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều khi ông nói rằng Việt Nam là nước có hai nguồn tài nguyên vô cùng quý giá là nhân lực và cơ hội. Nhưng thật đáng tiếc, theo ông, Việt Nam lại là nước lãng phí hai nguồn tài nguyên này vào bậc nhất thế giới. Lãng phí tiền bạc cũng xót xa, nhưng lãng phí cơ hội một đi không trở lại, còn lãng phí nguồn lực con người thì không bao giờ bứt phá vươn lên được.
GS Trần Ngọc Vương: Cá nhân tôi có cách nhìn hơi khác một chút về khái niệm đổi mới như cách mà mọi người vẫn nói lâu nay.
Thời bắt đầu đổi mới, lúc đó ta làm theo cách trả lại sự vật, để nó đi vào quỹ đạo vốn có, quỹ đạo tự nhiên của nó.
Gs Trần Ngọc Vương: "Nhìn lại lịch sử Việt Nam và thế giới sẽ thấy, các giai đoạn quan trọng, nếu không có vĩ nhân ra tay thì hiệu quả sẽ rất thấp." Ảnh: Phạm Hải
|
Hồi đó, người nông dân làm ra thóc gạo nhưng lại không giao đất cho họ. Với cách làm kiểu hợp tác hóa như cũ, kiểu cấm chợ ngăn sông thì cả nước sẽ không có gạo mà ăn, dân đói khổ. Vì vậy, trả lại sự vật theo quỹ đạo của nó tức là trả lại ruộng đất cho người dân, hàng hóa được lưu thông. Từ đó, mọi chuyện khác hẳn.
Chúng ta từng có lúc duy ý chí, từ đó áp dụng sai quy luật và đã lãnh đủ hậu quả. Rồi ta phải trả lại sự vật theo đúng trạng thái tự nhiên vốn có của nó.
Đổi mới đích thực là cách tân, và hiểu theo nghĩa rộng hơn nữa là sáng tạo. Đổi mới có thêm hàm lượng nhân vi, con người bằng ý chí và nỗ lực để đưa trí tuệ vào đó để sự vật không chỉ thực hiện theo quán tính của nó.
Nếu chúng ta chỉ đổi mới bằng cách trả lại trạng thái quán tính của sự vật thôi thì các nước trên thế giới phát triển đến một ngưỡng nào đó là mất đà, rơi vào“bẫy thu nhập trung bình”.
Nhà báo Lan Anh:Điều gì khiến các vị suy nghĩ và trăn trở nhất trong bối cảnh đất nước hiện nay?
GS Vũ Minh Giang:Thứ nhất, tôi đau đáu và lo ngại khi thấy tình trạng có người dân bị oan và bị đối xử bất công như báo chí đang nêu ngày càng nhiều. Trong suốt 70 năm qua nhân dân chúng ta luôn phải gồng mình lên để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Giờ đây, vấn đề cấp bách này đang đặt nặng lên vai các vị lãnh đạo. Đại hội Đảng XII sắp tới chắc chắn phải giải quyết triệt để vấn đề này, đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là yêu cầu của người dân.
Thứ hai, là bẫy thu nhập trung bình. Theo các tiêu chí thuần tuý kinh tế thì còn lâu nước ta mới đạt tới trình độ của một nước có thu nhập trung bình (3.000-5.000 đô/người). Nhưng nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo sớm rằng, nếu không biết lo xa thì việc Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi.
Bài toán cần giải quyết lúc này là khơi thông các nguồn lực để tạo bước đột phá, đưa đất nước phát triển. Nếu chúng ta cứ loanh quanh mãi ở đường băng mà không cất cánh được thì sẽ thất bại, sẽ mãi là nước nghèo.
Thứ ba, cần có cái nhìn tỉnh táo về bạn và thù. Điều đơn giản như một chân lý là: trong chính trị không có bạn vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù truyền kiếp, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là trường tồn. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét một cách thực tế bạn và thù để có những quyết sách đúng đắn.
GS Trần Ngọc Vương: Hãy nhìn lại câu chuyện của nước Nga thời Stalin. Người ta đã nói rất nhiều đến mặt trái của ông ấy, nhưng cũng cần phải nhìn nhận, ông ấy cũng làm được một số thành tựu lớn cho Liên Xô cũ. Bởi khi nói đến những thành tựu lớn nhất của Liên Xô cũ, chủ yếu người ta nhắc đến thời kì của Stalin.
Tôi có đọc trong một tư liệu kể lại rằng, khi kết thúc thế chiến thứ hai một tuần, Stalin mời các vị nguyên soái và các nhà lãnh đạo quân sự đến họp bàn. Ông đã đề nghị họ đứng ra thay ông tiếp quản tất cả các vấn đề quân sự, ông hoàn toàn không đóng vai trò đại nguyên soái nữa. Tiếp sau đó, ông triệu tập hội đồng các thị trưởng họp để kiến thiết quốc gia và tái phục hồi năng lực quốc gia, đồng thời giúp đỡ các quốc gia mới ở Đông Âu.
Hẳn ông phải có một cái nhìn rất tỉnh táo đối với sứ mệnh của mình nên ông mới làm được điều đó.
Do đó điều tôi đang quan tâm trăn trở hiện nay là:
Thứ nhất, tầm nhìn của lãnh đạo. Nhìn lại lịch sử Việt Nam và thế giới sẽ thấy, các giai đoạn quan trọng, nếu không có vĩ nhân ra tay thì hiệu quả sẽ rất thấp.
Thứ hai, người lãnh đạo phải đại diện cho lương tri cộng đồng.
Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện. Nếu không có những yếu tố đó, mọi sự đổi mới đều bị kìm hãm, bị đánh lạc và bị chuyển sang một quỹ đạo khác.
Nhà báo Lan Anh:Một vị lãnh đạo đã nói rằng nếu chúng ta cứ sống mãi trong qúa khứ thì chúng ta sẽ bỏ lỡ tương lai và chúng ta phải dám quên những thắng lợi của quá khứ thì chúng ta mới bước ra thế giới được. Các vị có chia sẻ gì?
GS Trần Ngọc Vương: Quá khứ không nên quên nhưng ta cũng không nên bị ám ảnh và càng không nên để nó chi phối tương lai. Nếu quên quá khứ có nghĩa là ta đã quên mất một mệnh đề của đạo lí. Ta nên khai thác phương diện lành mạnh của quá khứ để tiếp tục phát triển.
Giống như khi người ta chuyển nhà, cũng phải để lại một số thứ vẫn còn hữu ích, huống hồ chúng ta tiến hành một cuộc viễn chinh với một hành trình rất xa. Không ai có thể vứt bỏ di sản, có điều phải sử dụng nó một cách thông minh, đúng nghĩa là di sản để nhìn lại, để đối chiếu, để học hỏi.
GS Vũ Minh Giang: Hạ Tăng Hựu, một nhà sử học có tiếng ở Trung Quốc từng nói: Người trí thức không có gì vĩ đại hơn là biết được tương lai, nhưng tương lai chưa xảy ra, làm sao biết được. Chẳng qua tất cả mọi chuyện đều dựa vào cái đã xảy ra mà dự đoán (cứ vãng dĩ suy) đấy thôi.Vì vậy, không nên đặt vấn đề phải biết quên quá khứ. Vì quá khứ không phải chỉ là chuyện của ngày đã qua mà còn có giá trị để hiểu hiện tại và dự báo tương lai.
"Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện". Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
|
Tuy nhiên, đúng là vẫn còn cách tư duy không nghiên cứu phân tích toàn diện, khách quan mà chỉ thích “nhấm nháp” những vinh quang trong quá khứ theo kiểu “ăn mày dĩ vãng”. Đây là thói quen cần phải loại bỏ.
Trong kinh tế học hiện đại, người ta đưa ra khái niệm “nhân tố phượng hoàng” (phoenix factor) để chỉ những hiểu biết có được nhờ phân tích thất bại. Theo truyền thuyết châu Âu có hình ảnh con chim phượng hoàng đẹp đẽ bay lên từ đống tro tàn. Hình ảnh ấy được các nhà kinh tế học mượn để ví với những kinh nghiệm quý báu rút ra từ việc phân tích những thất bại trong quá khứ. Đó chính là cách mở đường để đi lên.
Thời buổi bây giờ chỉ khoe khoang thành tích trong quá khứ thì sẽ ngủ quên trong hào quang quá khứ và sẽ bị tụt hậu ngày càng xa so với thế giới. “Ăn mày dĩ vãng” không phải là con đường đưa đất nước đi lên và chắc chắn đó không phải là điều chúng ta mong đợi.
Nhà báo Lan Anh: Thực tiễn đất nước đang đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới. Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau, người thì cho rằng, cần một cuộc đổi mới 2, người thì bảo phải làm một cuộc cách mạng mạnh mẽ, quyết đoán như hồi năm 1986…. ý kiến của các các vị thế nào? Chúng ta cần phải làm gì trong tình thế hiện nay?
GS Vũ Minh Giang: Tôi không ủng hộ quan điểm cần phải có cuộc đổi mới này hay cuộc đổi mới khác.
Liên quan đến sự phát triển của một quốc gia, trong thời đại ngày nay người ta thường khái quát bằng ba chữ R.
Review, nghĩa là luôn luôn phải xem xét lại những việc đã qua. Chúng ta thường xuyên nhìn lại chứ đừng để đến lúc nó trì trệ rồi mới tiến hành đổi mới. Có một thời kì mà chúng ta đã rất lúng túng trong việc xử lí các vấn đề. Luôn để những tư duy cũ đem bám và bản thân bị trói buộc bởi những hệ thống lý luận cũ kĩ.
Research, nghĩa là nghiên cứu. Khi đề ra một quyết sách cần có cơ sở khoa học và luận chứng đàng hoàng.
Reform, nghĩa là cải cách. Ta đừng để nó tích tụ rồi mới giải quyết. Tính đổi mới thường xuyên liên tục dựa trên cơ sở nghiên cứu và tìm ra căn nguyên để giải quyết phù hợp. Phải cải cách liên tục.
Nhiều người coi ngành sử học như “gương chiếu hậu”. Nhưng như các bạn thấy đấy, ngay cả chiếc xe hơi đắt tiền nhất cũng cần phải có gương chiếu hậu, thậm chí còn có cả camera sau xe.
Dẫn ví dụ thế để thấy, nếu ai đó nói rằng cần phải có một cuộc đổi mới lần thứ hai thì cũng là một cách diễn đạt. Nhưng theo tôi cái trước nhất ta cần làm lúc này là ta phải có một tổng kết nghiêm túc về chặng đường chúng ta đã đi kể từ lúc chúng ta bắt đầu công cuộc đổi mới,
Tôi nghĩ hơi khác giáo sư Vương một chút. Nếu nói Đổi mới chỉ là trả lại cái vốn có của nó thì cũng không hẳn đúng. Bên cạnh việc “cởi trói”, nghĩa là để cho kinh tế phát triển tương đối tự nhiên thông qua điều tiết của thị trường, công cuộc đổi mới thực sự có nhiều yếu tố mới, nhất là việc mở cửa tiếp nhận những giá trị nhân loại trong thời đại toàn cầu. Trên phương diện này nhiều bước phát triển nhờ Đổi mới, đất nước đã vượt xa những gì ta có trong giá trị truyền thống.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, ba cái chữ R mà tôi vừa nhắc tới phải là thường trực, luôn luôn phải xem xét lại những gì đã qua, tiên lượng được tương lai sẽ tới, để từ đó liên tục đổi mới, làm mới mình thì mới bắt kịp tiến trình phát triển của nhân loại.
Tuần Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét