Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở Trường Sa như thế nào? - Kỳ 2: Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma oằn mình
Trung Quốc luôn nói rằng họ có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa từ lâu đời, và các hoạt động xây đảo nhân tạo là nằm trong chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, những tài liệu ngoại giao và nội bộ của Trung Quốc trong những năm 1932 - 1933 đã cho thấy tới tận thời điểm đó, Trung Quốc vẫn chưa có hiểu biết về quần đảo Trường Sa.
Việc thảm sát những công binh hầu như không có vũ khí của Hải quân Việt Nam trên Gạc Ma để chiếm đóng bãi này đã không tạo được danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho Trung Quốc, và sẽ không một quốc gia nào được phép công nhận sự chiếm đóng này là hợp pháp.
Việc dùng tàu chiến ngăn chặn tàu vận tải của Việt Nam và chiếm đóng các bãi chìm hay bãi nửa nổi nửa chìm nằm trong lãnh hải của những đảo mà Việt Nam đã chiếm đóng trước đó cũng có thể coi là một hành động đe dọa sử dụng vũ lực và trái với luật quốc tế.
Việc thảm sát những công binh hầu như không có vũ khí của Hải quân Việt Nam trên Gạc Ma để chiếm đóng bãi này đã không tạo được danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho Trung Quốc, và sẽ không một quốc gia nào được phép công nhận sự chiếm đóng này là hợp pháp.
Việc dùng tàu chiến ngăn chặn tàu vận tải của Việt Nam và chiếm đóng các bãi chìm hay bãi nửa nổi nửa chìm nằm trong lãnh hải của những đảo mà Việt Nam đã chiếm đóng trước đó cũng có thể coi là một hành động đe dọa sử dụng vũ lực và trái với luật quốc tế.
Bãi Ga Ven (Gaven Reefs)
Ga Ven (tên tiếng Anh là Gaven Reefs) nằm ở tọa độ 10°12’Bắc, 114°13’Đông, bao gồm hai rạn đá ngầm “nửa chìm nửa nổi” (chìm dưới nước khi thủy triều lên) là đá Ga Ven ở phía bắc và đá Lạc ở phía nam, nằm trong lãnh hải của đảo Nam Yết và cách đảo Nam Yết 7 hải lý về phía đông và 8,5 hải lý về phía đông đông bắc. Đảo Nam Yết đã được Việt Nam đóng giữ từ trước khi Trung Quốc dùng tàu chiến tới chiếm đóng ở bãi Ga Ven.
Theo khảo sát của Hancox và Prescott (1995), rạn đá Ga Ven ở phía bắc rộng khoảng 0,86 km2 và có một tảng đá lớn nổi trên mặt nước 1,9 mét khi thủy triều lên. Mỏm đá này đã không được ghi nhận trong các tài liệu hàng hải chỉ nam của Anh và Mỹ.
Tuy nhiên, mặc dù những tài liệu hàng hải miêu tả rạn đá này chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên, một tài liệu của Cục Bản đồ thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1994 ghi nhận thông tin rằng, rạn đá này được đánh dấu bằng một cồn cát trắng cao 1,8 m. Một hướng dẫn hoa tiêu vào năm 1967 của Văn phòng Hải dương học của Hải quân Mỹ cũng đề cập đến một “cồn cát trắng nhỏ” ở rạn đá này. Đá Lạc ở phía Nam nhỏ hơn, có diện tích 0,67 km2 .
Một báo cáo của Philippines cho rằng bãi Ga Ven nửa nổi nửa chìm (low-tide elevation), không được hưởng quy chế lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế riêng. Trong phân loại của Robert Beckman và Clive Schofield cũng không cho bãi Ga Ven là đảo và các khảo sát còn mâu thuẫn lẫn nhau để có thể kết luận chắc chắn Ga Ven là đá.
Trung Quốc chiếm đóng đá Ga Ven vào tháng 2.1988 trong chiến dịch dùng tàu chiến ngăn cản tàu vận tải Việt Nam tiếp cận và đổ bộ lên khu vực này. Tiếp sau đó, Trung Quốc xây mốc chủ quyền trên đá Lạc vào ngày 6.7.1992.
Trung Quốc đã có một phân đội và lực lượng quân nhu đồn trú tại đây từ năm 2003. Trung Quốc đã xây dựng tại phía Tây của rạn một bãi lớn bằng bê tông với bến tàu cùng với nhiều ụ súng, radar và các thiết bị thông tin liên lạc khác.
Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh ngày 31.3 và ngày 7.8.2014 cho thấy rằng từ trong khoảng thời gian giữa tháng 4 và tháng 8.2014, Trung Quốc đã đào một kênh tại trung tâm của đá Ga Ven để lấy đất bồi thành một hòn đảo hình chữ nhật với kích thước xấp xỉ 300 m x 250 m. Dọc theo một mũi đất nhỏ dẫn đến kênh này, khoảng 0,114 km2 đất mới đã được tạo ra .
Công trình xây dựng mới trên đá Ga Ven được cho là gần như giống hệt với công trình trên bãi Tư Nghĩa, gồm một tòa nhà chính hình vuông với một thực thể được cho là tháp phòng không. Những hình ảnh từ vệ tinh vào ngày 31.1 cho thấy Trung Quốc ngoài việc xây dựng đường liên kết các công trình xây dựng mới với đầu công trình cũ tại đá Gaven, còn xây ít nhất một bãi đỗ trực thăng tại đây.
Tại đá Ga Ven, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã sử dụng ba tàu hút bùn và một tàu kéo biển. Một trong ba tàu hút bùn này, được xác định là Tian Jing Hao, đã triển khai một ống dài để hút cát từ đáy biển và bồi đắp lại vào khu vực khai hoang. Tian Jing Hao là tàu hút bùn lớn nhất hiện nay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chiều dài 127 mét và tải trọng 6.017 tấn .
Báo cáo trước đó của IHS Jane’s cũng đã nói rằng tàu hút bùn Tian Jing Hao đã có mặt tại Ga Ven từ 24.5 đến 15.6.2014 . Một tàu hút bùn khác là Nina Hai Tuo cũng đã được nhìn thấy đang làm việc tại một khu vực khác của đá Ga Ven.
Tư Nghĩa (Hughes Reef)
Bãi Tư Nghĩa (tên quốc tế là Hughes Reef) nằm ở tọa độ 9°55’Bắc, 114°30’Đông, thuộc cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks) và nằm trong lãnh hải của đảo Sinh Tồn mà Việt Nam đã quản lý từ những năm 1970, trước khi Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng ở Trường Sa. Theo Valencia cùng cộng sự (1999), bãi chỉ nổi khỏi mặt nước khi triều thấp (low-tide elevation). Trung Quốc chiếm bãi vào tháng 2.1988, trong chiến dịch chiếm đóng một loạt thực thể ở Trường Sa bằng tàu chiến và hỏa lực.
Trước khi hoạt động xây đảo nhân tạo diễn ra ở đây, trên bãi Tư Nghĩa chỉ có một công trình kiên cố có diện tích 380 m2. Hoạt động xây đảo ra xung quanh công trình nhân tạo này bắt đầu được phát hiện vào khoảng giữa tháng 8.2014, thông qua ảnh vệ tinh chụp ngày 14.8.2014. Đã có một bến tàu được xây ở phía đông của đảo nhân tạo mới trong khi một khu căn cứ mới và lớn hơn cũng đang được xây dựng.
Tới ngày 24.1, đảo nhân tạo đã rộng tới 75.000 m2, gấp 200 lần so với công trình nhân tạo mà Trung Quốc xây trên đó 10 năm về trước. Các hoạt động xây dựng một khu căn cứ lớn vẫn đang diễn ra.
Gạc Ma (Johnson South Reef)
Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South Reef) nằm ở tọa độ 9°42’ Bắc, 114°17’ Đông, là một rạn đá ngầm màu nâu được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Một số tảng đá lớn ở phía đông nam của rạn nổi lên trên mặt nước khi thủy triều lên cao trong đó tảng lớn nhất cao 1,2 m còn các phần khác của rạn thì chìm dưới nước. Đây được xem là điểm đầu mút về phía đông nam của cụm đảo Sinh Tồn với diện tích khoảng 7 km2.
Theo nhiều nghiên cứu, Gạc Ma không phải là đảo, tiêu biểu như trong phân loại của Robert Beckman và Clive Schofield hay trong các nghiên cứu của Văn phòng Thủy văn Vương quốc Anh và Cục tình báo Địa - Không gian Hoa Kỳ. Trong đệ trình lên Tòa án trọng tài, Philippines đề nghị tòa phán quyết Gạc Ma là đá.
Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng Gạc Ma từ ngày 14.3.1988 sau khi dùng hỏa lực để thảm sát lực lượng công binh của Việt Nam đã tới đó trước một ngày và đang cắm cờ trên bãi, khiến 64 công binh không vũ khí của Hải quân Việt Nam tử trận.
Ban đầu, các công trình xây dựng của Trung Quốc tại đây chỉ là vài kết cấu hình bát giác xây trên cọc gỗ. Đến năm 1989, tại đây đã xuất hiện thêm hai tháp xi-măng tròn ở phía cuối một ngôi nhà hai tầng cũng bằng xi-măng dùng để chống với một ăng-ten liên lạc vệ tinh cao 2,5m liền kế bên một cột ăng-ten cao 2,4 m.
Cho đến thời điểm đầu năm 2014, các công trình nhân tạo trên đá Gạc Ma chỉ là một bãi nhỏ bằng bê tông được trang bị một số phương tiện thông tin liên lạc UHF/VHF, các radar tìm kiếm, súng phòng không cùng với một bến tàu.
Từ cuối năm 2013, các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy sự hiện diện của tàu Tian Jing Hao tại khu vực đá Gạc Ma, mở đầu cho các hoạt động biến đá này thành đảo nhân tạo. Ngày 26.2.2014, các hoạt động cải tạo đất tại đá Gạc Ma đã được phát hiện ra thông qua các ảnh chụp vệ tinh.
Ảnh vệ tinh chụp đá Gạc Ma vào tháng 7.2014 cho thấy Trung Quốc đã xây thêm một cầu tàu mới, trồng cây dừa cùng với cơ sở hạ tầng mới khác như đường giao thông và các tòa nhà, biến đá này từ một rạn san hô chỉ toàn đá và cát thành một hòn đảo trắng hình quả táo.
Ảnh chụp từ vệ tinh ngày 14.8.2014 cho thấy Trung Quốc đã tiếp tục tiến hành xây dựng nhiều công trình xây dựng mới trên đá Gạc Ma. Từ một tòa nhà hai tầng, đá này đã được cải tạo thành một hòn đảo nhân tạo với diện tích khoảng 0,1 km2 và bề rộng khoảng 400 mét tại điểm rộng nhất.
Trung Quốc đã xây dựng một đê chắn sóng tăng cường xung quanh toàn bộ đá Gạc Ma. Ngoài ra còn có hai bãi đỗ tàu tự động và một cầu tàu ở phía tây bắc. Ngoài các thực thể được xác định là máy bơm khử muối, một nhà máy bê tông, và một bãi chứa nhiên liệu thì một nền móng cho một công trình khác có thể là một tòa nhà lớn đã được nhìn thấy ở phía tây nam của đá Gạc Ma.
Những cải tạo đáng kể tại khu vực này có thể được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 15.11 đến ngày 12.12.2014, trong đó có việc xây dựng các tòa nhà mới. Hiện đã có một số suy đoán rằng Bắc Kinh có thể xây dựng một đường băng trên đá Gạc Ma mặc dù các chuyên gia cho rằng một đường băng tại đây có kích thước quá nhỏ để có thể dẫn đến một tác động chiến lược quan trọng.
(Còn tiếp…)
Đại Sự Ký Biển Đông
(cùng các cộng tác viên: Cái Ngọc Thiên Hương, Lê Thanh Danh, Kevin Bùi)
(cùng các cộng tác viên: Cái Ngọc Thiên Hương, Lê Thanh Danh, Kevin Bùi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét