4,5 triệu người Việt ở hải ngoại chưa về với chúng ta thì cả hai phía còn sẽ có những đêm mất ngủ, trăn trở.
“Tôi rất mong muốn thực hiện ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là làm sao ngày 30-4 hằng năm toàn dân trong và ngoài nước đều vui chứ không phải là “hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn””. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM về những nỗ lực hòa giải dân tộc trong thời gian qua, ngay sau chuyến đưa đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa.

 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nói: Chúng ta là người chủ đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước. Nếu chúng ta không chủ động xóa bỏ những hằn học trong suy nghĩ thì sẽ không bao giờ hàn gắn vết thương lòng sau chiến tranh để lại.
Đất nước có phát triển về kinh tế nhưng suy nghĩ của người dân còn hận thù từ đời này sang đời khác thì chúng ta khó có đại đoàn kết dân tộc, không có sức mạnh dân tộc.
Áp lực từ cả hai phía
. Là người đứng mũi chịu sào trong tiến trình thúc đẩy hòa giải, hòa hợp dân tộc với nhiều hoạt động mang tính đột phá, có lẽ ông gặp không ít trở ngại từ cả hai phía?
+ Có nhiều. Ngay việc tôi gặp những nhóm người chống đối ở hải ngoại cũng đã là dấn thân, là mạo hiểm rồi. Bởi vì họ là những thành phần kích động, có thể xông lên hành hung mình hoặc làm bất cứ chuyện gì. Nhưng tôi cho rằng bằng tình cảm, bằng tấm lòng chân thành của mình sẽ xóa đi hố sâu thù hận.
Điều khiến tôi buồn nhất là tôi gặp trở ngại từ một số cựu chiến binh, một số vị lão thành cách mạng và cả các cán bộ ở địa phương khi thấy tôi tổ chức chuyến hải trình ra Trường Sa lần thứ ba với việc tổ chức cầu siêu cho những người nằm xuống ở cả hai phía để bảo vệ biển, đảo. Tôi cũng rất buồn là có những người trong và cả ngoài nước rất không hài lòng, lo lắng khi thấy chúng tôi càng ngày đưa càng nhiều người có tư tưởng cực đoan về nước. Ngay trong bộ máy nhà nước cũng có một số người bảo thủ, giáo điều làm kìm hãm sự vận hành của bộ máy nhà nước, sự hòa hợp hòa giải dân tộc, không đem lại lợi ích cho dân tộc. Cũng may là số người này không nhiều.
Lịch sử không cho phép nói dối, che đậy
. Ông đã phải nói gì với họ?
+ Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?


Thanh niên, sinh viên kiều bào nắm tay đoàn kết với tuổi trẻ Đà Nẵng tại Trại hè Việt Nam 2013. Ảnh: TTXVN
Ta ở quan điểm chính nghĩa và nhìn nhận một cách lôgic theo truyền thống nhân đạo của ông cha ta thì bên nào cũng có lý tưởng của bên đấy. Ngày xưa ta không thể nói là không có chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Đó là chính phủ cũng được quốc tế thừa nhận chứ. Đó cũng là một nhà nước có quân đội thực thi nhiệm vụ quốc gia của họ để bảo vệ chính nghĩa theo lý tưởng của họ. Còn chúng ta bảo vệ chân lý của chúng ta giải phóng dân tộc và chúng ta giành được thắng lợi bởi chúng ta có chính nghĩa. Cái này chúng ta phải sòng phẳng nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, lôgic, lịch sử không cho phép nói dối, che đậy.
. Có những người nghĩ rằng Bắc Việt xâm lược miền Nam và chính phủ ta phải xin lỗi họ chứ những cuộc viếng thăm trở về không có ý nghĩa gì cả. Với những người suy nghĩ như vậy thì làm sao để họ bắt tay ông một cách bằng mặt và bằng lòng?
+ Câu hỏi này của chị đúng là câu hỏi mà tôi đã trả lời rất nhiều cá nhân cực đoan ở Mỹ. Họ đã nêu câu hỏi là tại sao các ông ở miền Bắc lại vào xâm chiếm miền Nam. Tôi muốn hỏi lại họ một câu rằng thế ai đưa người Mỹ vào miền Nam? Người miền Bắc không đưa người Mỹ vào miền Nam. Chính chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã đưa người Mỹ vào miền Nam và đã phản bội cả chế độ cộng hòa của họ, gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc vô cùng đau thương cho dân tộc chúng ta. Những người anh em miền Bắc đã phải vào miền Nam để hỗ trợ anh em miền Nam giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, đánh đổ đế quốc Mỹ.
Tôi đã giải thích rất rõ cho họ là chính các quý vị trong thời Việt Nam Cộng hòa đã đưa đế quốc Mỹ vào xâm lược miền Nam. Họ vào không phải để giúp đỡ chúng ta mà vào để đẩy cuộc chiến tranh mạnh hơn, muốn tiến ra cả miền Bắc để xóa sổ XHCN miền bắc, để mong muốn có một nhà nước tư bản chủ nghĩa theo chư hầu của Mỹ.
Chúng ta không chấp nhận chuyện đó. Cho nên Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập để kháng chiến chống đế quốc Mỹ và những người anh em miền Bắc phải có trách nhiệm giúp giải phóng miền Nam, đưa đến thống nhất đất nước. Chính người Mỹ đã rút chạy trước và bỏ lại miền Nam cộng hòa. Giá như miền Nam cộng hòa lúc bấy giờ đi theo xu hướng của Mặt trận Dân tộc giải phóng thì chúng ta không có những đau thương về sau.
74 người lính quân lực Việt Nam Cộng hòa chết trong bảo vệ Hoàng Sa làm tôi rất đau xót. Nếu người Mỹ lúc bấy giờ lệnh cho Tổng thống Thiệu đưa máy bay ra để hỗ trợ họ thì tôi dám chắc Hoàng Sa chúng ta không mất. Những sĩ quan, binh lính của Việt Nam Cộng hòa nằm xuống đã phải bị đau ba lần. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa bỏ rơi họ, người Mỹ bỏ rơi họ và kẻ thù đã giết họ. Trong lần ra thăm thứ ba này của đoàn kiều bào có cầu siêu cho họ thì âu cũng là một việc làm rất chính nghĩa.
Ngày 30-4: Ngày của đại đoàn kết dân tộc
. Với những nỗ lực của ông và Ủy ban, bao giờ thì chúng ta có được đại đoàn kết dân tộc thực sự?
+ Tôi rất lạc quan và tin tưởng nếu Đảng và Nhà nước tiếp tục tin tưởng giao trọng trách này cho tôi, tôi tin không lâu thì ngày 30-4 vừa là ngày thống nhất đất nước vừa là ngày đại đoàn kết dân tộc, chứ không thể để ngày thống nhất đất nước mà vẫn còn rất nhiều người đau buồn do hậu quả của chiến tranh để lại. Đó là ngày chưa thể trọn niềm vui trong ngày vui chiến thắng.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng nói trong chuyến thăm kiều bào ở Mỹ rằng đất nước Việt Nam luôn giang tay đón kiều bào, bất kể người đó ra đi vì lý do nào, trong trường hợp nào, miễn là trở về với tấm lòng yêu nước, xây dựng đất nước. Đây là thông điệp rất rõ ràng và tôi rất tâm đắc. Những người nào không hiểu, không thông thì sẽ bị thực tế của hội nhập đào thải, đứng ngoài lề.
Tư tưởng hận thù chỉ đem lại sự chia rẽ nhân dân, yếu kém cho đất nước. Chỉ có dũng cảm, chân thành, mong muốn đại đoàn kết dân tộc mới có đại đoàn kết dân tộc. 4,5 triệu người Việt ở hải ngoại chưa về với chúng ta thì cả hai phía còn sẽ có những đêm mất ngủ, trăn trở.
. Xin cảm ơn ông
THANH MẬN thực hiện 
(Theo Pháp-Luật tp HCM)

. Được biết có kiều bào đã gửi thư đề nghị Chính phủ nâng cấp Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài lên cấp bộ và kỳ vọng nhiều ở cá nhân ông trong tiến trình hòa giải dân tộc?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Khi có thông tin có thể tôi sẽ đi làm đại sứ ở Cộng hòa Liên bang Nga thì rất nhiều bà con ở khắp nơi trên thế giới đã lên mạng khuyên tôi không nên. Có nhiều người không quen biết họ gửi thư về rất xúc động. Họ đặt niềm tin ở tôi và tiếp tục mong muốn tôi tiếp tục thực hiện con đường đại đoàn kết dân tộc.
Còn về Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiền thân của ủy ban này là Ban Việt kiều Trung ương, là cơ quan ngang bộ độc lập, thuộc Chính phủ, sau đó đã sáp nhập vào Bộ Ngoại giao.
Nhưng ngày nay, nguồn lực từ 4,5 triệu bà con ở hải ngoại là rất lớn, với khoản đóng góp gửi về nước hằng năm lên đến 20 tỉ USD. Chúng ta cứ hay chú ý đến ODA, FDI mà không để ý đến nguồn vốn kiều bào, trong khi những cái đó là chúng ta phải vay và phải trả, không đời này thì đời sau trả, còn nguồn lực kiều bào là không phải vay nợ ai. Chưa kể có đến 400.000 trí thức Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cả những người làm ở tàu con thoi ở Mỹ hoặc đang làm ở Trung tâm Vũ trụ NASA của Mỹ mà chúng ta chưa hề khai thác để họ hướng về Việt Nam...
Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, nhiều thế hệ lãnh đạo có ý kiến đã đến lúc phải tách Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khỏi Bộ Ngoại giao, cho nó có một vị thế độc lập, xứng đáng với tiềm năng của bà con. Theo tôi là nên tách ủy ban ra khỏi Bộ Ngoại giao bởi ngoại giao nhân dân không nên gắn liền với ngoại giao chính trị của Nhà nước.
Nếu tách ra thì tôi cũng đỡ bị sức ép, như chuyến ra Trường Sa vừa rồi tôi bị sức ép rất ghê gớm, nhiều người cũng hù dọa tôi nhiều vấn đề. Tôi nói hãy để cho tôi được làm việc theo ý nguyện của tôi và tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc làm của mình. Là một thứ trưởng, không lẽ tôi lại đi làm trái với lợi ích của Nhà nước?