Vì sao người dân bức xúc với đề án thay thế cây xanh đô thị?
Những ngày qua, chuyện Hà Nội chặt bỏ hàng loạt cây để thay thế cây đô thị đúng chủng loại đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu thông tin, đánh giá tác động môi trường có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân…
Cây xanh phát triển luôn gắn với đất đai, khí hậu, không gian sống… Song hiện nay, cây xanh được trồng trên đường phố chưa được quan tâm đúng mức, gây xung đột môi trường sống với hạ tầng kỹ thuật đô thị. Khi Hà Nội chủ trương chặt bỏ 6.700 cây không đúng chủng loại để thay thế cây đô thị, điều này ngay lập tức đã làm "nóng" dư luận. Bởi nếu thực hiện, đây sẽ là cuộc “cách mạng xanh” quy mô lớn đầu tiên được triển khai ở Hà Nội. Tuy nhiên, nếu cùng một lúc loại bỏ một số lượng cây xanh lớn như vậy, lý do đưa ra chỉ vì “cây không đúng chủng loại” thì chưa thuyết phục.
Anh Hoàng Văn Hùng (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cho biết: “Trồng một cây xanh phải mất ít nhất hàng chục năm mới cho bóng mát. Nếu thay thế một loạt, thì đồng nghĩa với việc những năm sắp tới, Hà Nội sẽ thiếu bóng cây xanh. Mùa hè sắp đến, thành phố vốn đã ngột ngạt bởi nắng nóng, khói bụi, ô nhiễm… nay còn thiếu cây xanh thì không biết sẽ như thế nào. Đành rằng thành phố chủ trương loại bỏ cây sâu mục, cong queo, nguy hiểm để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão nhưng nên thay thế dần dần, xen kẽ giữa các cây. Hơn nữa, tại sao thành phố lại chặt bỏ hàng loạt cây đang xanh tốt để trồng mới các loại cây khác mà chưa có sự tham khảo ý kiến của người dân?”, anh nói.
Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố giai đoạn 2014-2015 đã được UBND thành phố Hà Nội thông qua theo Quyết định 6816/QĐ-UBND ngày 11-11-2013. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều người dân vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra khiến nhiều cây bị đốn hạ đồng loạt, trong khi có không ít cây nếu quan sát bằng mắt thường bên ngoài thì không thấy dấu hiệu sâu mọt, bệnh tật. Nhiều gốc cây còn lại trên đường cho thấy đây là những cây còn khỏe mạnh.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cây xanh đô thị hiện có khoảng 70 loài, trong đó có các cây trồng từ thời Pháp thuộc và sau ngày giải phóng Thủ đô, đến nay đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị hỏng nên rất nguy hiểm, nhất là loại cây xà cừ. Hơn nữa, nhiều cây cong nghiêng, phát triển không đều như phượng, cơm nguội, quếch, bàng, trứng cá, long não… không đạt chuẩn cây đô thị.
Việc thay thế cây xanh trong thành phố cần có lộ trình rõ ràng cùng sự tham gia của toàn thể xã hội. |
Đặc biệt, nhiều tuyến phố tồn tại loại cây lâm nghiệp, chẳng hạn cây keo trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh. Do là cây lâm nghiệp nên tuổi thọ của cây ngắn, cành giòn dễ gẫy, nguy hiểm cho người đi đường. Ngoài ra, một số cây do người dân tự trồng trên một số tuyến phố chưa phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển chậm, cong xấu làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng chất lượng hệ thống cây xanh trong thành phố… cũng cần phải loại bỏ.
Hiện nay, hệ thống cây xanh ở Hà Nội chưa đồng nhất do nhiều yếu tố khách quan. Ngày trước, khi kinh tế đất nước còn khó khăn, thành phố chưa tính toán, nghiên cứu trồng cây gì một cách bài bản. Ngày nay, quá trình đô thị hóa phát triển, thành phố chú trọng chỉnh trang đô thị, thay dần những loại cây không chuẩn bằng các loại cây đạt chuẩn, sao cho phù hợp Quy hoạch hệ thống công viên cây xanh thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, từng bước xây dựng thành phố đạt tiêu chí đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp.
Chủ trương, chính sách cải tạo thay thế cây xanh là hợp lý, đô thị nào cũng cần như thế. Tuy vậy, trong quá trình triển khai do công tác thông tin không kịp thời, đầy đủ, các đơn vị thực hiện đã hạ chuyển và thay thế hàng loạt cây trên một số tuyến phố, dẫn tới dư luận bức xúc.
Sau khi kiểm tra tình hình, lắng nghe ý kiến công luận, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận và các đơn vị dừng việc thay thế, hạ chuyển cây xanh hiện nay để rà soát việc thay thế cây xanh, bảo đảm đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Trước khi triển khai, Sở Xây dựng phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Rút kinh nghiệm, Sở Xây dựng thay đổi phương thức thực hiện, gắn biển công khai cây cần thay thế, thay bằng chủng loại cây gì, thời gian thực hiện… để người dân giám sát.
Nhiều người hy vọng, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ có cách làm khoa học, điều chỉnh sao cho phù hợp để Thủ đô ngày một văn minh, sạch, đẹp.
Hợp tác cùng Thời Nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét