Bảo vệ sông Đồng Nai là vấn đề sống còn
06:09 ngày 30 tháng 03 năm 2015
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong quanh dự án “Lấn sông Đồng Nai”, ông Doãn Mạnh Dũng, Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TPHCM, cho rằng “bảo vệ sông Đồng Nai là vấn đề sống còn”.
Việc lấn sông Đồng Nai được tạm dừng từ hôm 28/3.
Ông Doãn Mạnh Dũng nói: “Một nguyên tắc hết sức cơ bản là khi thu hẹp dòng chảy thì tốc độ dòng chảy tăng lên ở vị trí đó và ở hạ lưu theo định luật bảo toàn năng lượng. Nơi dòng sông Đồng Nai bị lấp, sông chỉ rộng khoảng 800 mét.
Bây giờ sông bị lấp một đoạn khá lớn, không chỉ dòng chảy bị thu hẹp ở đoạn bị lấp mà do khi dòng sông bị thu hẹp dòng chảy thì sẽ gây lở ở phía đối diện, phải gia cố chống lở ở phía đối diện tạo ra một nút thắt trên sông Đồng Nai khiến tốc độ dòng chảy càng tăng lên”.
Tính khoa học cần được đặt làm đầu
Ông đánh giá tác động của việc này như thế nào?
Phía sạt lở có một ngôi chùa từ thế kỷ 17, nằm sát bờ sông là một trong những ngôi chùa cổ của Nam bộ, di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Khi dòng sông lở thì ngôi chùa này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Cù Lao Phố trước kia là trung tâm đô hội của Nam bộ, lưu giữ nhiều di tích văn hóa lịch sử quan trọng. Khi sông bị lấp thì mũi Cù Lao Phố sẽ bị phá đi do dòng chảy thay đổi mạnh.
Cách chỗ lấn 400 mét có cầu Rạch Cát, cách 800 mét lại có cầu Ghềnh, là cầu đường sắt độc đạo Bắc Nam. Dòng chảy thay đổi mạnh sẽ ảnh hưởng đến các trụ cầu. Theo tôi thì việc lấp sông là việc làm quá đáng. Cần phải khôi phục nguyên trạng, nạo vét toàn bộ khu vực này để bảo đảm sự cân bằng bền vững, nếu không sẽ gây hậu quả mà sau này không thể khắc phục được.
Theo ông, tại sao việc lấn sông Đồng Nai vẫn diễn ra ở khu vực rất nhạy cảm như vậy?
Việc lấn sông hẳn có lợi ích cho một nhóm nào đó thì họ mới đề xuất thực hiện, nhưng việc lấn sông sẽ gây ra những hậu quả khiến chính quyền và xã hội phải gánh chịu những chi phí để giải quyết nó. Chẳng hạn chi phí gia cố chống sạt lở ở phía sông đối diện, gia cố sạt lở ở Cù Lao Phố, bảo đảm an toàn cho cầu đường sắt Bắc Nam… Chắc chắn xã hội phải bỏ ra những khoản tiền này.
Ở nước ngoài hiếm khi xảy ra những chuyện như thế. Vì các nước phát triển thì không ai có thể độc quyền đưa ra những quyết định mà cộng đồng phải gánh hậu quả. Nguyên tắc quản lý xã hội là lợi ích xã hội phải được đặt cao hơn lợi ích nhóm, nếu lợi ích nhóm được đặt cao hơn lợi ích xã hội thì xã hội sẽ hỗn loạn.
Ông Doãn Mạnh Dũng.
Cần độc lập với doanh nghiệp
Nhiều người lo ngại chính quyền chịu sức ép của doanh nghiệp cũng như sức ép đầu tư phát triển. Vậy phải giải quyết vấn đề này ra sao?
“Ở Nam bộ có hai dòng sông lớn nhất là sông Cửu Long và sông Đồng Nai. Việc quản lý dòng chảy sông Cửu Long liên quan đến nhiều nước. Riêng sông Đồng Nai thì thượng nguồn và hạ lưu đều trong phạm vi đất nước ta, vì vậy chúng ta phải quản lý và sử dụng dòng sông này một cách khoa học, hợp lý và bền vững nhất, không chỉ cho hiện nay mà phải cho cả con cháu nhiều trăm năm sau”.Ông Doãn Mạnh Dũng
Trong xã hội hiện đại thì áp lực của doanh nghiệp lên chính quyền là không nhỏ. Khi chính quyền vững mạnh thì xã hội không hỗn loạn. Nếu dọc bờ sông có cắm cọc mốc thì làm sao dân và doanh nghiệp lấn được như hiện tượng đang xảy ra ở nhiều nơi trên sông Đồng Nai? Quản lý nghiêm túc, quản lý lòng sông thường xuyên thì không ai lấn được. Đến năm 2015 này, đất đai cơ bản được cấp sổ đỏ hết rồi, nên người ta sẽ lấn vào những diện tích khác như mặt sông, mặt biển.
Người dân cũng có quyền đặt ra câu hỏi phải chăng khi nguồn thu ngân sách trở nên khó khăn mới xảy ra những chuyện kiểu như lấn sông ở Đồng Nai? Một bộ máy điều hành hiệu quả, nguồn thu dồi dào thì liệu có xảy ra những việc liên kết với doanh nghiệp mà lợi bất cập hại hay không? Tôi chắc là không.
Vậy theo ông, chính quyền địa phương phải làm gì để tăng nguồn thu duy trì hoạt động mà không dính vào những dự án không nhận được sự đồng thuận của dư luận?
Nhà nước cần đặt vấn đề khai thác tài nguyên trí tuệ hơn là khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đai, sông ngòi bằng cách đơn giản nhất là bán chúng đi để thu tiền. Gần đây, việc khai thác khoáng sản đã được kiểm soát nhiều rồi. Đất đai nhà nước cũng quản lý chặt rồi. Vấn đề nguồn thu trở nên khó khăn hơn rồi, đây là một thử thách không nhỏ đối với chính quyền các địa phương trong nguồn thu.
Chúng ta thấy có tài nguyên sức lao động cơ bắp, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên trí tuệ. Tài nguyên trí tuệ mới là tài nguyên quan trọng nhất. Hãy so sánh, chúng ta thấy TPHCM là thành phố hầu như không có tài nguyên khoáng sản gì, thậm chí còn bị triều cường ngập lụt, nhưng thành phố này lại là nơi kinh tế đầu tàu cả nước, đó là vì thành phố này khai thác thành công tài nguyên trí tuệ tập trung tại đây, đó chính là sự khác biệt của một xã hội phát triển.
Việc lấp sông Đồng Nai làm người dân Nam bộ rất lo lắng vì đây chính là dòng sông mẹ nuôi dưỡng sự sống nơi đây.
Sông Đồng Nai ảnh hưởng rất nhiều đến các tỉnh từ Tây Nguyên xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Việc bảo vệ dòng sông này cần được xem như vấn đề sống còn. Bên cạnh việc ô nhiễm môi trường, khai thác bừa bãi, còn những vấn đề đe dọa đến dòng sông như khai thác boxit ở thượng nguồn. Đây cũng là dòng sông cung cấp nguồn nước cho TPHCM. Vấn đề ô nhiễm tại đây nặng nề hơn người ta tưởng. Chẳng hạn vấn đề xử lý ô nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh tại các sân bay ở Đồng Nai đang chậm hơn rất nhiều so với việc xử lý ô nhiễm ở sân bay Đà Nẵng.
Theo ông, nên xử lý những việc xâm hại sông Đồng Nai như thế nào?
Theo chúng tôi thì cần phải dứt khoát với những hành vi lấn sông Đồng Nai, bởi hậu quả của chúng về mặt xã hội là rất lớn và lòng tin của người dân cũng ảnh hưởng rất nhiều, tiền bạc xã hội phải bỏ ra để sửa sai không nhỏ mà hậu quả khó lường trước hết được. Cần trả lại dòng chảy vốn có của sông Đồng Nai.
Dòng sông này cung cấp nguồn nước cho TPHCM và các tỉnh miền Đông. Ở Nam bộ có hai dòng sông lớn nhất là sông Cửu Long và sông Đồng Nai. Việc quản lý dòng chảy sông Cửu Long liên quan đến nhiều nước. Riêng sông Đồng Nai thì thượng nguồn và hạ lưu đều trong phạm vi đất nước ta, vì vậy chúng ta phải quản lý và sử dụng dòng sông này một cách khoa học, hợp lý và bền vững nhất, không chỉ cho hiện nay mà phải cho cả con cháu nhiều trăm năm sau.
Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra dự ánPhó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến về việc thực hiện dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đang gây nhiều tranh cãi. Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp các Bộ NN&PTNT, Xây dựng, GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện dự án, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5.Nguyễn Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét