Sự cố mất điện Tân Sơn Nhất: Công bố nhiều tình tiết mới
Tổng GĐ Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, đằng sau sự cố có những dấu hiệu đáng ngờ đang được tổ điều tra làm rõ.
Liên quan đến sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều máy bay phải chuyển hướng và hoãn chuyến hôm ngày 20/11, trao đổi trên báo Tiền Phong, ông Đinh Việt Thắng - Tổng GĐ Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam cho biết: "Bình thường, nếu bấm nhầm nút tắt nguồn trên UPS cũng không mất điện vì ngoài UPS có một đường lưới trực tiếp. Nhưng trước khi sự cố xảy ra, ông Tình đã ngắt hệ thống điện lưới trực tiếp này để chạy thử máy phát điện".
"Khi mất điện, cách ứng xử tốt nhất là đưa điện lưới ngay vào hệ thống, nhưng kíp trực lại tập trung sửa UPS. Khoảng 10 phút sau, họ mới thực hiện. Lúc này, hệ thống cấp điện hoạt động lại bình thường, kể cả UPS. Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau một lúc, điện lại đột ngột mất. Kíp trực quay sang khởi động lại máy nổ, đấu điện trực tiếp vào hệ thống. Lúc này sự cố mới được khắc phục. Tổng thời gian mất điện là 31 phút; đến phút thứ 40, chức năng liên lạc của hệ thống mới hoạt động trở lại. Hệ thống ra đa phải khởi động mất thời gian; sau đó 1 giờ mới hoạt động bình thường. Một điều chúng tôi đang làm rõ là vì sao lại mất điện lần thứ hai. Máy móc thiết bị ghi lại cho thấy đã có người bấm thêm một lần nữa vào nút đỏ trên UPS. Cái này, tổ điều tra sẽ làm rõ", ông Thắng nói.
Sự cố mất điện khiến nhiều chuyến bay từ quốc tế và trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất không thể hạ cánh.
Theo lời ông Đinh Việt Thắng, nguồn điện cấp cho ACC HCM gồm điện lưới, 3 UPS và 3 máy phát điện. Mỗi UPS có thể cấp điện 30 phút, 3 UPS duy trì được 1 tiếng rưỡi; một máy phát điện cấp đủ cho cả hệ thống. Sự cố xảy ra lúc 11 giờ ngày 20/11, kíp trực có 3 người, do ông Lê Trí Tình phụ trách. Theo quy trình, mỗi tuần có 2 ngày phải đóng điện lưới để bật máy phát điện. Kíp trực đóng điện lưới, khởi động máy phát điện bình thường. Nhưng khi đó, một UPS báo lỗi.
Nếu cứ để bình thường như vậy, 2 UPS kia vẫn hoạt động. Muốn sửa UPS phải cấp điện lưới trực tiếp vào cho hệ thống, cô lập UPS bị hỏng. Nhưng kíp trực thực hiện sai quy trình, bấm luôn vào nút tắt nguồn trên UPS (bấm 2 lần). Trong khi đó, hệ thống UPS này có tính năng, nếu chưa cô lập, tắt một cái, cả hệ thống UPS ngưng hoạt động, tắt cả hệ thống, dẫn đến mất điện.
Quy trình vận hành hệ thống thường xuyên được huấn luyện. Lần gần nhất là trước sự cố 2 tuần, cho chính kíp trực đó. Vào tháng 8, Tổng Cty cũng ban hành chỉ thị về đảm bảo quy trình kỹ thuật.
Ngoài nguyên nhân chủ quan như trên, theo ông Thắng còn do công tác quản lý, giám sát. Nguyên nhân thứ ba là thiết kế hệ thống. Hệ thống được thiết kế như vậy là an toàn, nhưng sự an toàn lại tập trung vào một nút bấm thì cũng chưa loại bỏ hết khả năng xảy ra sự cố.
Trao đổi trên báo Giao thông vận tải về sự cố hy hữu trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đây là sự việc nghiêm trọng, không thể chấp nhận và sẽ xử lý nghiêm.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Bộ trưởng Thăng, sự cố tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa rồi là chưa từng có trong lịch sử hàng không và không thể chấp nhận được.
"Không có lý do gì có tới 3 nguồn điện để phục vụ điều hành bay mà mất cả ba. Chắc chắn có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và không loại trừ khả năng có sự phá hoại? Sự cố này là rất nghiêm trọng, cần xử lý thật nghiêm và điều tra làm rõ", Bộ trưởng cho biết.
Như tin tức đã đưa, trưa 20/11, nhiều chuyến bay từ quốc tế và trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) không thể hạ cánh vì thiếu thông tin dẫn đường tiếp cận vùng trời. Tất cả chuyến bay phải bay vòng hạ cánh tại sân bay khác hoặc quay đầu cho đến khi có thông báo tiếp theo. Các máy bay chuẩn bị khởi hành tại Tân Sơn Nhất cũng bị lùi thời điểm cất cánh. Sự cố kéo dài suốt một giờ 35 phút, đến gần 13h cùng ngày, hệ thống kỹ thuật điều hành bay mới được khôi phục.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, hệ thống điều hành bay bị gián đoạn vì hư hỏng hệ thống cấp điện. Bình thường nguồn điện cấp vào mạng lưới điều hành đều thông qua 3 hệ thống lưu điện UPS. Khi mất một hệ thống thì hai nguồn khác sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, trưa 20/11, một hệ thống lưu điện UPS bị hỏng, sau đó đã ảnh hưởng cả 3 hệ thống khiến mạng lưới điều hành không lưu tê liệt hoàn toàn. Cục Hàng không đang điều tra nguyên nhân cụ thể.
Liên quan đến vụ việc, ngày 23/11, theo tin tức trên báo Nhân Dân, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với một số cán bộ của Công ty Quản lý bay miền nam, gồm Phó giám đốc phụ trách Kỹ thuật Trần Công; Trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Lê Văn Tính và Phó trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Nguyễn Quốc Phú. Các cán bộ này bị đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày (kể từ ngày 23/11) để thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố trên.
Trước đó, ngày 21/11, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền nam đã quyết định đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày đối với Kíp trưởng Lê Trí Tình và nhân viên kíp trực điện nguồn Phạm Văn Dũng thuộc Ðội bảo đảm môi trường kỹ thuật (Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật) để phục vụ điều tra sự cố.
Liên quan đến vụ việc, ngày 24/11, lãnh đạo Tổng Cty Quản lý Bay Việt Nam cho biết, Bộ trưởng Thăng đã chỉ đạo lập tổ điều tra, báo cáo kết quả trước ngày 10/12.
Thành phần tổ điều tra ngoài các thành viên của Cục Hàng không, Tổng Cty Quản lý bay còn có TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện- Điện tử - Tin học EEI. Theo thông tin từ cán bộ Tổng Cty Quản lý bay, công an cũng tham gia vào việc điều tra sự cố.
Mai Nguyên (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét