Báo chí Pháp ở Đông Dương góp phần “kéo” Hoàng Sa, Trường Sa về gần
Published on December 25, 2014 · No Comments
Hoạt động khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa do người Việt và người Pháp thực hiện (ảnh Tư liệu năm 1940)
Báo chí Pháp, vào thời kỳ những năm Việt Nam là thuộc địa của Pháp, đã phản ánh khá chi tiết về đại lý tự nhiên, hoạt động khảo sát tại những hòn đảo thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoạt động này chính là “kéo” 2 quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông lại gần với nhận thức của hoc giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp.
Cũng chính trong bối cảnh thời kỳ Pháp thuộc, báo chí ở Đông Dương đã thể hiện trách nhiệm của mình với thời cuộc, lên tiếng và hối thúc Chính phủ Pháp thực thi chủ quyền của An Nam (Việt Nam) trên quần đảo Hoàng Sa với tư cách là Nhà nước bảo hộ. Đồng thời, bằng những chứng cứ lịch sử thuyết phục, phân tích, bình luận sắc bén, báo chí Pháp ở Đông Dương đã liên tục khẳng định chủ quyền của An Nam (Việt Nam) do Pháp bảo hộ trên quần đảo Hoàng Sa.
Trong những năm 20 – 30, thế kỷ XX, nhiều tờ báo có uy tín của Pháp ở Đông Dương với đường lối nghiên cứu khoa học khách quan đã những đưa ra những đánh giá về vị trí chiến lược của Hoàng Sa; tầm quan trọng của Hoàng Sa trong phát triển kinh tế; cơ sở lịch sử rõ ràng, xác nhận chủ quyền của An Nam tại Hoàng Sa từ rất lâu đời. Không những thế, những tờ báo này thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với việc quản lý Hoàng Sa, Trường Sa và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xác lập chủ quyền của An Nam trên quần đảo Hoàng Sa do Pháp bảo hộ.
Đầu tiên phải kể đến Tuần báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L’Eveil économique de l’Indochine), do Henri Cucherousset (1879 – 1934) là Chủ bút, ông cũng là là tác giả của phần lớn các bài viết trên Tuần báo này. Henri Cucherousset vốn là một nhà giáo, từng sang Thượng Hải hành nghề luật sư và đi nhiều nơi trên thế giới. Cuối cùng, ông đến Đông Dương và gắn bó với mảnh đất này đến khi qua đời. Henri Cucherousset là người đặc biệt yêu mến Hoàng Sa và chiến đấu không mệt mỏi cho chủ quyền của An Nam đối với Hoàng Sa:“Ông chỉ cho công chúng những mặt trong của vấn đề quần đảo Hoàng Sa, cũng là người đầu tiên đưa ra yêu sách đòi lại chủ quyền của Hoàng Sa cho xứ sở chúng ta” (Nhà báo, Nhà nghiên cứu Henri Cucheroussset từ trần. Trong mục chia buồn có bài viết của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên tờ L’annam nouveau ca ngợi đóng góp của Henri Cucheroussset đối với quần đảo Hoàng Sa. Thư viện Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam. L’Eveil économique de l’Indochine 01/11/1934. No834, tr 6 – 7).
Trong 835 số Tuần báo (số ra đầu tiên vào thứ Bảy, ngày 16/6/1917 và số cuối cùng vào thứ Năm ngày 01/11/1934), Henri Cucheroussset và các đồng nghiệp của ông đã có hơn 90 bài viết đề cập đến Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Đặc biệt, từ năm 1928-1933, có 16 bài thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đối với việc quản lý Hoàng Sa. Trong các bài viết này, Henri Cucheroussset và các đồng nghiệp đã đưa ra những yêu sách đòi Chính phủ Pháp, cũng như bộ máy thuộc địa của Pháp ở Đông Dương phải giải quyết ngay các vấn tranh chấp Hoàng Sa với chính quyền Quảng Đông. Dưới đây là nội dung một số bài viết của Henri Cucheroussset và các đồng nghiệp của ông được đăng trên L’Eveil économique de l’Indochine (trong khoảng thời gian từ năm 1925 – 1933).
Bài báo Vấn đề quần đảo Hoàng Sa có đăng kèm ảnh đảo Boissée (phú Lâm) và đảo Robert (Hữu Nhật)L’Eveil économique de l’Indochine 03/2/1929
Nhiệm vụ đầu tiên của báo chí Pháp thời bấy giờ, cung cấp thông tin đặc khảo về địa tự nhiên, địa kinh tế, địa quân sự trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quyền lợi của Pháp trên Biển Đông. Đây là đóng góp quan trọng để người dân Việt, các nhà nghiên cứu Pháp có những tư liệu về 2 quần đảo này. Nói một cách hình tượng là kéo Hoàng Sa, Trường Sa về gần đất liền.
Ngày 21/6/1925, trên tuần báo L’Eveil économique de l’Indochine, Henri Cucheroussset đã đăng tải bài viết của mình với nhan đề: Từ việc cung cấp than cho tầu Lanessan (Du Charbon puor le “de Lanessan”. Trong bài viết này, Henri Cucheroussset đã viết về hành trình trình của con tầu de Lanessan, có nhiệm vụ đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa và dưới đáy biển của khu vực này. Ông M. Krempf, Giám đốc Viện Nha Trang cũng đề nghị với chính quyền Đông Dương thực thi quyền sở hữu có hiệu quả trên quần đảo và xây dựng một đài quan sát cùng với một trạm vô tuyến sóng ngắn, một trạm hải đăng, một cảng và trạm tránh bão cho ngư dân và bảo vệ thuyền cho ngư dân An Nam.
Ngày 24/6/1926, L’Eveil économique de l’Indochine đăng tải bài viết có nhan đề là Sở Nghiên cứu đại dương và Nghề cá ở Đông Dương: Hoạt động trong 2 năm gần đây. Bài báo đã tập trung vào các nội dung trong Báo cáo của Sở Nghiên cứu Đại dương và nghề cá ở Đông Dương, trong đó có đề cập đến các nghiên cứu tại quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 23/01/1927, L’Eveil économique de l’Indochine đăng tải bải viết Phân chim trên đảo Hoàng Sa (Guano des Paracels). Bài viết này là một mục nhỏ nằm trong bài Chironique des mines (Thời luận về mỏ). Bài viết vị trí địa lý của Hoàng Sa và về giá trị phân chim trên quần đảo do nơi đó là nơi đi lại của các đàn chim di cư. Bài báo cũng khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của An Nam, giải thích hối thúc chính quyền Pháp không để chính quyền Quảng Đông coi như là đất của họ.
Ngày 06/01/1929, L’Eveil économique de l’Indochine đăng tải bải viết Sở Nghiên cứu đại dương và Nghề cá ở Đông Dương trong 2 năm 1927 – 1928 – Tóm tắt báo cáo gửi Hội đồng Toàn quyền (Le Service Océnographicque des Pêches de l’Indochine pendant l’années 1927 – 1928 – Résume du rapport au Conseil Gouvernêmnt) của M. Krempt. Tại trang 7, trong mục Sinh vật và hình thái đại dương (Óceanographie biologique et physique) tác giả đã nói đến cấu tạo vật lý, tài nguyên dưới biển và trên đảo Hoàng Sa và đề cập đến chuyến khảo sát ở Trường Sa tháng 7/1927. Cũng trang 7, bài viết đã nói về việc tiến hành nghiên cứu vào năm 1926 ở quần đảo Hoàng Sa. Tác giả đã trình bày về cơ chế hình thành những mỏ phốt phát trên bề mặt tất cả những đảo có độ cao trên mặt nước, cho phép cây cối phát triển. Các loài chim biển biển tìm thấy chỗ ẩn náu đã đem lại cho mặt đất ở nới đây thứ axít phốtphoric.
Ngày 20/10/1929, L’Eveil économique de l’Indochine đăng bài viết Các cơn bão và quần đảo Hoàng Sa (Les typhon et les île Paracel) của Henri Cucheroussset. Từ những thông báo về các cơn bão ở Biển Đông của Đài quan sát Phú Liễn và các tuyến đường biển đi qua Hoàng Sa, bài báo nhắc lại sự cần thiết phải có hải đăng, phao đèn, cọc tiêu, trạm khí tượng và trạm vô tuyến điện trên quần đảo.
Theo Infone
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét