Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

Tấm Lòng Biển: Hồi ký của một thuyền nhân Việt Nam

Tấm Lòng Biển, một hồi ký về chuyến hải hành vượt biên của nhóm thuyền nhân người Việt năm 1985, những người may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần nhờ lòng nhân từ của một thuyền trưởng người Đại Hàn, đã ra mắt độc giả tại California vào tháng 8 năm nay. Ngay trong lời giời thiệu, cuốn sách được nói đến như lời kể chuyện chân thành và giản dị, nêu cao tấm lòng bác ái trong một con người bình dị và cũng chính tấm lòng đó đã đưa đến một câu chuyện thật đẹp về tình người, về sự biết ơn và tình bạn đã nảy sinh giữa ân nhân và người thụ ơn. Trong bài sau đây, Lan Phương sẽ gửi đến quí thính giả đôi nét về cuốn sách và câu chuyện với tác giả Nguyễn Hùng Cường và một thuyền nhân từng có mặt trong chuyến hải hành đó nay đã an cư lạc nghiệp tại Hoa Kỳ.
Câu chuyện bắt đầu năm 1985 khi chiếc ghe mỏng manh chở 96 thuyền nhân vượt biên trốn chạy chế độ cộng sản Việt Nam, hư máy, lênh đênh trên hải phận quốc tế đã bị nhiều tàu bè qua lại dửng dưng bỏ đi không vớt. Trước cơn bão dữ sắp sửa ập tới, thuyền trưởng một tàu đánh cá của Nam Hàn không đành đoạn quay lưng lại trước đám người khốn khổ đó, đã cương quyết bất chấp lệnh của công ty và có lẽ cũng là chính sách của nhiều quốc gia lúc bấy giờ, đã quá mệt mỏi trong việc cưu mang luồng sóng thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi nhất quyết quay tàu lại, hạ lệnh cho thủy thủ vớt những người này lên tàu, chăm sóc chu đáo cho họ cho đến khi tàu về tới hải khẩu Pusan và thuyền nhân được đưa vào trại tỵ nạn an toàn tại Nam Hàn. Trong câu chuyện, tác giả Nguyễn Hùng Cường còn nhắc tới sự kiện mà thuyền nhân sau khi được tàu đánh Kwang Myung 87 vớt, đã chứng kiến cảnh các thủy thủ kết một tấm bè, và họ lo ngại không biết có phải bè được kết để thả họ trở lại biển khơi hay không.
Đến sau này khi tác giả gặp lại,và được vặn hỏi, thuyền trưởng mới thổ lộ cho biết là vớt các thuyền nhân, ông đã 2 lần bất tuân thượng lệnh, lần thứ nhất là cứu thuyền nhân lên tàu, lần thứ hai là họ buộc ông phải kết bè, thả những thuyền nhân đã được cứu vào một hoang đảo gần nhất. Ông không tuân lệnh, nên đã bị mất việc. Ông không hề ân hận dù sau đó cuộc sống của ông gặp nhiều gian nan. Suốt gần 3 năm ông bị phạt không được lái tàu nhưng đến năm 1993 ông đã trở lại công việc này, làm cho nhiều hãng tàu khác nhau, lái tàu trên vùng biển Ấn Độ Dương, và hiện nay thuyền trưởng Jeon Jee Yong đã về hưu. Ông gây một trại nuôi hải sản và sinh sống bằng nghề này, bên cạnh người vợ và cô con gái.

Trong số những người được thuyền trưởng cứu vớt là ông Nguyễn Hùng Cường, tác giả cuốn sách.
Sau khi ổn định cuộc sống ở nước Mỹ, quốc gia cho ông tỵ nạn, và sau khi đón được vợ con sang đoàn tụ, tác giả, luôn bị thôi thúc phải gặp lại ân nhân, đã nhất định tìm kiếm. Cuối cùng ông đã toại nguyện. Cộng đồng người Việt đã long trọng tiếp đón, vinh danh vị thuyền trưởng tại Califfornia và báo chí của hai cộng đồng Việt-Hàn đã nhắc nhở đến câu chuyện cảm động này rất nhiều. Sau đó, tác giả lại sang Hàn Quốc để thăm viếng gia đình ân nhân rồi về hưu sớm để hoàn tất cuốn hồi ký và làm nhiều công tác thiện nguyện.
Câu chuyện đã được công ty Thúy Nga đưa lên một băng video. Còn cuốn hồi ký của ông Nguyễn Hùng Cường được đón nhận như thế nào?
Ông Cường nói: "Tôi rất mừng bởi vì lần đầu tiên tôi chỉ in ra có 1 ngàn cuốn và cho đến giờ phút này tôi đã được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả Việt Nam trên toàn thế giới, sách bán rất chạy."
Hành động nhân ái, vị tha của thuyền trưởng Jeon Jee Yong và lòng biết ơn của thuyền nhân Nguyễn Hùng Cường đã gieo mầm cho một tình bạn khắng khít giữa hai người. Nhưng kết quả của cái hạt giống tốt đó đã không chỉ ngưng ở đây, nó còn lan tỏa đi xa hơn thế nữa. Sau buổi lễ vinh danh thuyền trưởng diễn ra tại California năm 2004, tình thân hữu giữa hai cộng đồng Hàn Việt ở Nam California ngày càng nảy nở.
Tưởng cũng nên nhắc lại câu chuyện của một doanh nhân Việt Nam mở khách sạn Ramada ngay giữa lòng khu phố của người Đại Hàn ở quận Cam, bang California đáng lẽ sẽ khó làm ăn, nhưng ông Cường cho biết:
"Ban đầu thì anh ấy mở dịch vụ khách sạn ấy ở ngay giữa lòng khu phố của người Đại Hàn và anh rất là lo bởi vì không biết là có thành công hay không. Nhưng với sự chịu khó làm ăn, và nhất là sự tiếp xúc rất khéo léo của anh, và đặc biệt là qua biến cố hai cộng đồng được tiếp đón vị thuyền trưởng người Đại Hàn thì không ngờ dịch vụ của anh chủ khách sạn đó đã gặt hái được thành công tốt đẹp."

Tác giả Nguyễn Hùng Cường cũng ôm ấp nhiều tâm nguyện khi ngồi viết cuốn hồi ký Tấm Lòng Biển. Dự tính thứ nhất mà ông đã thực hiện được, đó là gửi số lợi nhuận về giúp cho các cơ quan từ thiện tại Việt Nam qua các vị chân tu của các tôn giáo. Tâm nguyện thứ nhì là tìm người bảo trợ và người phiên dịch cuốn hồi ký từ Việt ngữ sang Hàn ngữ.
Ông Cường nói: "Tôi cũng đang cố gắng để mà thực hiện phần dịch thuật từ tiếng Việt sang tiếng Hàn cuốn Tấm Lòng Biển và dĩ nhiên tôi cũng sẽ dùng tất cả những lợi nhuận từ ấn bản bằng tiêng Hàn đó để giúp cho các học sinh nghèo khổ ở bên Hàn quốc mà tôi có thể dùng danh từ mà tôi gọi là bên ngoại, bởi vì đối với cộng đồng Việt Nam thì tôi gọi là bên nội, còn đối với cộng đồng của đất nước Nam Hàn thì tôi gọi là phía bên ngoại. Và tôi cũng sẽ làm tâm nguyện của tôi đối với họ hàng bên ngoại là như vậy. Và cái tâm nguyện thứ ba là nếu trường hợp sau này kết quả đối với cái hãng phim ở bên Đại Hàn như họ từng có đặt vấn đề với tôi, họ muốn quay một cuốn phim từ cuốn Tấm Lòng Biển này thì tôi cũng đã chuyện trò với họ và cũng đã được họ chấp thuận. Tuy nhiên, thủ tục thì chưa đến giai đoạn cuối bởi vì cần phải có những thủ tục về pháp lý thành ra tôi cũng chưa biết là nó sẽ đi về đâu. Tuy nhiên, nếu được kết quả qua kế hoạch để làm phim thì tôi cũng có thể dùng số tiền mà hãng phim có thể trích ra cho tôi để tôi làm một cái foundation, và foundation đó đứng dưới tên của tôi và đứng dưới tên của ông thuyền trưởng và tôi với ông thuyền trưởng sẽ dùng ngân quĩ của foundation đó để giúp cho cô con gái của ông thuyền trưởng được qua du học tại Hoa Kỳ theo như ý nguyện của cô ấy mà tôi đã biết."
Và như hầu hết mọi thuyền nhân tỵ nạn, sau khi đến quốc gia mới để lập lại cuộc đời, ai cũng phải lo hội nhập và tất bật với công ăn việc làm và đủ mọi thứ chuyện. Nhiều người đã quên mất câu chuyện cũ, quên các bạn đồng hành và mất liên lạc với nhau. Câu chuyện của vị thuyền trưởng nhân từ được đưa lên video Paris By Night và trong cuốn hồi ký đã giúp nhóm thuyền nhân 96 người bắt liên lạc lại với nhau. Điển hình là anh Tính Trần, lúc ra đi mới 15 tuổi. Nay thì anh đã có vợ con và làm chủ một cơ sở làm ăn nhỏ, cuộc sống hoàn toàn ổn định.
Anh nói lên cảm nghĩ sau khi xem cuốn băng video và cuốn Tấm Lòng Biển: "Coi cuốn Paris By Night không thôi đã thấy ngậm ngùi rồi. Đọc cuốn sách còn ngậm ngùi hơn nhiều tại vì trong cuốn sách có nhiều chi tiết mà chú Cường liên lạc với ông thuyền trường, người mà mình chịu ơn người ta quá nhiều mà cuối cùng không tài nào kiếm được, chỉ có chú Cường chú ấy bỏ nhiều công sức và thời giờ ra đi kiếm thì chú ấy mới kiếm ra. Đọc thì ngậm ngùi lắm. Cái điểm làm xúc động nhất là ông thuyền trưởng giúp mình mà cuối cùng vì mình mà ông ấy mất việc làm, thì mới cảm thấy là ông ấy hy sinh vì mình quá nhiều mà đôi khi mình là người mang ơn mà không biết tới."
Anh Tính cũng cho biết về ước nguyện của anh đối với vị ân nhân cứu tử. Anh nói: "Em đã nói với chú Cường là ráng làm sao mà gây được một cái quĩ nào để anh em thuyền nhân của mình trong khả năng nhỏ bé của mỗi người mà trả ơn cho người đã cứu vớt mình."
Quí thính giả nào muốn liên lạc với tác giả cuốn hồi ký Tấm Lòng Biển:
Nguyễn Hùng Cường
(714) 588-4919
huongcuong_dcct@yahoo.com.

Quí vị vừa theo dõi đôi nét về cuốn hồi Ký Tấm Lòng Biển của một thuyền nhân Việt Nam, nói lên lòng biết ơn trước hành động nhân từ, vị tha của thuyền trưởng đã cứu vớt ông và các bạn đồng hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét