Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Quyền tự do lập hội, vậy tự do lập hội trong tôn giáo thì sao?

Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cử hành Đại lễ Phật đản Phật Lịch 2563 - DL.2019 tại Tổ Đình Quốc Ân, Huế.

Trong buổi dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2563 tại Sài Gòn hôm 19/5/2019, vị Hòa Thượng cao niên Thích Quảng Tôn có đặt câu hỏi với người viết: “Nghe nói sắp tới sẽ có luật về quyền tự do lập hội. Như vậy, những người tu hành có được quyền chọn những hội, đoàn riêng, mà không phải lệ thuộc vào Mặt Trận Tổ Quốc?”.
Câu hỏi không dễ trả lời. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hiện là đơn vị thành viên của tổ chức có tên là Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo thì không có điều khoản nào về việc các tôn giáo được tự do lựa chọn, hoặc tự thỏa thuận thành lập các hội, đoàn độc lập.
Không chỉ riêng Phật Giáo, mà bất kỳ tôn giáo nào để được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, đều bị buộc phải là thành viên của tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc (Điều 4, Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo).
“Cái căn bản của đạo Phật là sinh hoạt từng chùa, chứ chúng tôi không dựa theo giáo hội nhiều. Giáo hội chỉ là cơ quan hành chánh, lâu lâu tổ chức việc này, việc khác thôi, chứ giáo hội không nhằm đặt ra để mà kiểm soát tất cả các chùa và không có huy động trực tiếp, chỉ huy các thầy làm gì. Các thầy chủ động đặt ra chương trình để làm công việc Phật sự.
Chúng tôi cũng tu hành bình thường thôi, nhưng cơ quan hành chánh của chúng tôi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lại không được tôn trọng. Đúng là nhà nước hiện tại chưa có văn bản nào phủ nhận; nhưng đồng thời họ cũng chưa bao giờ công nhận có một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở tại Việt Nam. Cá nhân tôi nghĩ rằng ngay cả Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay cũng chỉ là một hội đoàn, chúng tôi cũng là một hội đoàn. Cái khác nhau là ở vế có hay không việc là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc
Nếu sắp tới đây có luật về quyền lập hội, tại sao không chấp nhận cho những nhà tu hành của chúng tôi được có những hội đoàn riêng của mình, như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chẳng hạn”. Một vị Hòa thượng cao niên khác, không muốn nêu tên, thắc mắc.
Một vị Hòa thượng khác cũng là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, kể rằng ông quan tâm đến bài phát biểu vừa rồi của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về kinh tế nhà nước, và kinh tế tư nhân. Vậy thì, nếu hiểu những tổ chức tôn giáo chấp nhận là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, là tôn giáo có dáng dấp ‘nhà nước’; thì cũng nên sòng phẳng thừa nhận, tôn trọng các tôn giáo không là thành viên Mặt Trận Tổ Quốc. Căn cứ pháp lý cho đề xuất ấy có thể là ở thì tương lai của luật về quyền lập hội.
“Tôi hy vọng chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Tổng Bí Thư sẽ mở ra nhiều vận hội cho quyền tự do lựa chọn các tổ chức đại diện cho mình của chùa chiền, tự viện, thay vì buộc tất cả đều phải thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”. Vị Hòa Thượng, nói.
Nôm na, người viết bài này cho rằng, nếu như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đưa ra tôn chỉ ‘Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa’, thì cũng cần phải thừa nhận tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với tiêu chí ‘Dân tộc – Đạo pháp’. Sự tự do lựa chọn tổ chức đại diện cho mình của các chùa, tự viện ở đây, thiết nghĩ cũng tương tự như quyền tự do công đoàn đang bàn luận trong sửa đổi Bộ Luật Lao Động.
Tương tự, ngay cả việc kỷ niệm Phật Đản ở Việt Nam vừa qua cũng có 2 dạng thức và tổ chức cũng khác ngày: Một, Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc tổ chức tại một chùa nào đó được chọn lựa, với sự tham gia của đại diện các chùa trên toàn quốc, cùng đại diện đại biểu quốc tế. Đại lễ mang dáng dấp của quan hệ chính trị đối ngoại.
Hai, Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2563 tiến hành theo nghi thức truyền thống ở tại các chùa trên cả nước.
Quyền tự do tôn giáo và quyền lựa chọn các tổ chức hội, đoàn của những chùa chiền, tự viện: đây là những vấn đề đặt ra trên cơ sở quyền tự do lập hội, tự do công đoàn.
Nguyễn Hồng Phúc

Yêu quê hương Việt Nam, thích uống trà mạn: Băng đảng truyền thông - Cha con nhà Anh Khuê, Tườ...

Yêu quê hương Việt Nam, thích uống trà mạn: Băng đảng truyền thông - Cha con nhà Anh Khuê, Tườ...: Khoảng mười năm trở lại đây, báo chí là nghề kiếm ra tiền nhiều nhất. Các nhóm nhà báo hoạt đông không khác gì các băng nhóm xã hội đen. Nế...

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019


Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi sẽ bị đập bỏ

Nhà thờ Bùi Chu hơn trăm tuổi - Ảnh: Facebook Quang Minh Vu
Thông tin từ trang web của Giáo phận Bùi Chu cho biết nhà thờ Bùi Chu có tuổi 134 năm - ngang ngửa tuổi nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn (năm 1880) và nhà thờ Lớn Hà Nội (1886), sẽ bị hạ giải vào ngày 13.5 để xây nhà thờ mới.
Sẽ đập bỏ trong hơn chục ngày tới
Bản tin ngày 17.4.2019 của Giuse Văn Nhân mang tiêu đề Lễ Truyền dầu năm nay sẽ được tổ chức ở đâu? đăng trên website mang tên Giáo phận Bùi Chu (gpbuichu.org) cho biết: Theo dự kiến của Đức cha, nhà thờ Chính tòa sẽ được hạ giải vào ngày 13.5.2019.
“Có thể nói đây là lần cuối cùng các tín hữu sẽ được dự lễ tại nhà thờ Chính tòa cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 130 năm.
Hy vọng anh chị em tín hữu sẽ về tham dự thánh lễ thật đông đảo vừa để một lần nữa được chiêm ngắm nhà thờ mẹ của Giáo phận đã đứng đó để yêu thương con cái giáo phận suốt 134 năm, cầu nguyện cho các cha được trung thành với sứ mạng linh mục và nhất là cầu nguyện cho việc tái thiết thánh đường mới được diễn tiến và hoàn thành trong bình an tốt đẹp” - Giuse Văn Nhân viết.
Bức ảnh nhà thờ Bùi Chu với lời ghi chú “Sẽ bị phá hủy vào ngày 13 tháng 5” trên Facebook Martin Rama
Không cứu được?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng mới đây cũng xác nhận thông tin nhà thờ Bùi Chu sắp bị đập bỏ.
Trước đó, ông Phan Cẩm Thượng cho biết ông mới có chuyến về thăm nhà thờ Bùi Chu. Ông đánh giá nhà thờ rất đẹp, có giá trị kiến trúc và giá trị lịch sử quý giá, rất cần được bảo tồn. 
Ông Thượng chia sẻ một số dự định nhằm cứu nhà thờ này khỏi số phận đị đập bỏ, nhưng sau đó ông lắc đầu nói “không cứu được, không có cách nào”.
Theo ông Thượng, hiện nay chỉ có 4 nhà thờ ở Việt Nam nằm trong danh sách được bảo vệ là nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, nhà thờ Đức Bà ở TP. HCM, nhà thờ Lớn và nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội.
Trong đó, mới chỉ có nhà thờ Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn thì nằm trong danh mục Kiểm kê di sản của TP.HCM.
Theo ông Thượng, một khi các nhà thờ chưa được xếp hạng di tích các cấp thì sẽ không được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa và việc bảo vệ hay phá bỏ các nhà thờ sẽ hoàn toàn thuộc quyền của giáo dân và các cha xứ.
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì quy trình xếp hạng một di tích được thực hiện “từ dưới lên”, nghĩa là các chủ thể của công trình kiến trúc nào đó phải trình hồ sơ lên các cấp có thẩm quyền theo quy định để xin công nhận di tích, chứ cơ quan nhà nước không thể chủ động xếp hạng di tích cho công trình nào.
Phối cảnh nhà thờ Bùi Chu mới sắp được xây dựng
Các chuyên gia đồng loạt lên tiếng
Mấy hôm nay, thông tin cảnh báo về việc nhà thờ Bùi Chu sắp bị đập bỏ được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook. Khởi đầu từ bài đăng trên tài khoản Facebook của ông Martin Rama - cố vấn cao cấp tại Ngân hàng Thế giới và Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam – và tài khoản Facebook của ông Vũ Minh Quang (Minh Quang Vu) - Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, thông tin đã được lan truyền trên nhiều tài khoản Facebook của các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu và cả những công chúng yêu di sản.
Ông Martin Rama đã đăng tải một bức ảnh nhà thờ Bùi Chu của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo (Hà Nội) với dòng chữ “Sẽ bị phá hủy vào ngày 13 tháng 5”.
Đại sứ Vũ Quang Minh ngoài việc giới thiệu bài báo của ông Martin Rama thức tỉnh người Việt khi “khóc” cho nhà thờ Đức Bà Paris thì cũng nên “khóc” cho nhà thờ Bùi Chu sắp bị đập bỏ, còn đưa ra một số đề xuất với các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Ông Vũ Quang Minh cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các nhà bảo tồn văn hóa Việt cần khẩn trương xem lại chính sách bảo tồn và phân loại các di sản hiện hành, không thể chỉ quan tâm tới các di tích “đã xếp hạng”
Quan trọng hơn, đừng để chủ sở hữu có quyền đăng ký bảo tồn hay không, mà đó phải là quyết định của một hội đồng các nhà bảo tồn, từ trên xuống.
“Chúng ta hiểu sửa chữa bảo tồn sẽ khó khăn hơn nhiều so với đập đi xây mới lại, và chưa kể, có thể còn có nhiều lợi ích khác nữa nếu xây mới. Nhưng những công trình như thế này không còn thuộc sở hữu và quyền sinh sát của riêng cá nhân ai hoặc nhóm người nào, dù là giáo xứ” – Đại sứ Vũ Quang Minh viết.
Trong khi đó, KTS Sơn Đặng cũng bày tỏ ý kiến của mình trên trang Facebook cá nhân của mình liên quan tới số phận của nhà thờ Bùi Chu.
Trong bài viết của mình, ông đồng tình với ý kiến của ông Martin Rama trong bài báo mà đại sứ Vũ Quang Minh nhắc tới, đó là tập hợp các tòa kiến trúc đáng chú ý như các nhà thờ công giáo ở miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể khát vọng lọt vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Nếu chúng được bảo vệ và cải tạo đúng cách, chúng sẽ trở thành một mạch du lịch hấp dẫn và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân địa phương.

Nhà thờ giáo họ Phêrô xây từ năm 1888 cũng đã hạ giải

Cũng trên trang của Giáo phận Bùi Chu, trong bài viết Họ Phêrô, Tứ Trùng hạ giải nhà thờ của Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toanh, ngày 3.9.2017 cũng cho biết một nhà thờ khác, Nhà thờ giáo họ Phêrô được xây từ năm 1888 cũng cùng chung số phận.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toanh viết: “Giáo họ Phêrô, giáo xứ Tứ Trùng, giáo hạt Tứ Trùng đã tổ chức thánh lễ tạ ơn và cầu bình an cho việc hạ giải nhà thờ cũ và khởi công xây nhà thờ mới vào lúc 09 giờ 30 Chúa Nhật, ngày 03 tháng 09 năm 2017. Nhà thờ giáo họ Phêrô được xây dựng từ năm 1888 . Trải qua thời gian dài cùng với thời tiết khắc nghiệt miền Bắc dù đã được tu sửa nhiều lần, song nhà thờ đã không còn an toàn cho giáo dân mỗi khi đến thờ phượng Chúa, tham dự phụng vụ, nhất là diện tích nhà thờ cũ quá nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của giáo dân đến tham dự thánh lễ.
Vì thế, ai ai cũng mong ước có một nhà thờ mới, rộng rãi khang trang hơn, đáp ứng được nhu cầu của giáo họ. Do đó, khi bàn bạc và quyết định khởi công xây nhà thờ mới, ai cũng nhiệt thành ủng hộ”
Ông Sơn lấy ví dụ: Khi đến thăm Bolivia ông đã được chào 1 tour có tên là Jesuit Missions Circuit đi thăm liên tuyến các nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 17-18.
Theo ông, về mặt hình ảnh kiến trúc, chuỗi các nhà thờ được xếp hạng di sản quốc tế UNESCO này khó mà so với chuỗi nhà thờ cổ của miền Bắc nước ta.
“Ở một nước nghèo và lạc hậu như Bolivia, những di sản nho nhỏ được trùng tu và bảo quản cẩn thận, được cộng đồng giáo dân chăm chút, và thu được tiền từ du lịch rất ổn. Rất đáng tiếc, Việt Nam và các giáo xứ miền Bắc lại chọn một cách khác. Sau nhà thờ Trà Cổ 162 năm tuổi bị đập bỏ, nay đến lượt nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi sắp bị chính giáo xứ quyết định san phẳng để xây mới”, KST Sơn Đặng bày tỏ nỗi thất vọng.
Theo ông Sơn, tất cả những lý do mà người ta đưa ra để đập bỏ các nhà thờ này như công trình cũ nát, xuống cấp và cần một nhà thờ rộng hơn… đều là “nghĩ quẩn”.
Hoàng Hương
https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/nha-tho-bui-chu-134-nam-tuoi-se-bi-dap-bo-112167.html

Lá thư kêu gọi 'giải cứu' nhà thờ Bùi Chu của ông Martin Rama

Nhà thờ chính tòa Bùi Chu - Ảnh: Internet
"Các thế hệ sau sẽ đi ra nước ngoài, thưởng ngoạn các thành phố châu Âu, được tiếp xúc với tư duy thế giới... Và sớm muộn họ sẽ nhìn lại, nhớ về đất nước xinh đẹp mà họ đã lớn lên và đặt câu hỏi rằng ai phải chịu trách nhiệm cho sự mất mát những đặc sắc của đất nước".
LTS: Bài báo "Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi sẽ bị đập bỏ" (xem tại đây) được đăng trên báo điện tử Một Thế Giới ngày 29.4 tạo hiệu ứng mạnh trong cộng đồng người Việt Nam yêu di sản và cả những người nước ngoài yêu Việt Nam. Sau đó, tòa soạn đã nhận được lá thư của ông Martin Rama gửi tới Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, đức cha Vũ Văn Thiên, và Giám mục Giáo phận Bùi Chu, đức cha Vũ Đình Hiệu để kêu gọi “giải cứu” nhà thờ Bùi Chu khỏi nguy cơ bị phá hủy đang cận kề. Lá thư đã được gửi tới hộp thư điện tử của các giám mục. Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch nội dung lá thư của ông Rama tới bạn đọc.
Washington DC, 29.4.2019
Kính gửi Đức cha Vũ Văn Thiên và Đức cha Vũ Đình Hiệu!
Tôi đang rất bình tâm để viết thư cho Đức cha, mặc dù tôi không phải là người Việt Nam hay người Công giáo. Tôi đến từ Uruguay, một quốc gia nhỏ cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Nhưng tôi từng sống ở Hà Nội nhiều năm và tôi thực sự yêu đất nước, con người Việt Nam. Ngoài ra, giống như nhiều người Uruguay, tôi là người vô thần. Nhưng tôi chân thành tin rằng đức tin tôn giáo, ở tất cả các tôn giáo, đem đến cho chúng ta những giá trị mạnh mẽ và sự nhạy cảm sâu sắc kết nối tất cả chúng ta theo cách nhân văn nhất.
Hôm nay, tôi viết thư cho các Đức cha nhân danh những giá trị mạnh mẽ và sự nhạy cảm sâu sắc ấy. Và tôi viết gửi tới các Đức cha với một lời cầu xin, vì tôi tin rằng các Đức cha là những người duy nhất có thể giúp tránh được kết cục buồn cho Việt Nam, cho Giáo hội Công giáo và cho toàn thế giới.
Nhà thờ chính tòa Bùi Chu tráng lệ, thuộc thẩm quyền của các Đức cha, dự kiến sẽ bị phá hủy chỉ trong ít ngày nữa. Sự phá hủy một tòa kiến trúc tuyệt vời như vậy lại đến sau sự việc đáng tiếc phá hủy nhà thờ Trà Cổ vào tháng 3.2017 và nhà thờ Trung Lao bị hủy hoại trong một đám cháy lớn vào tháng 8 cùng năm đó. Các nhà thờ khác thuộc thẩm quyền của các Đức cha, bao gồm nhà thờ Họ Phêrô, cũng được lên kế hoạch phá dỡ.
Tôi hiểu rất rõ lý do để thay thế những tòa nhà cũ này. Cải tạo chúng sẽ rất tốn kém. Với sự lâu đời và tình trạng hư hỏng tồi tệ, có nguy cơ dầm hoặc vữa rơi xuống từ trần nhà có thể khiến hàng loạt giáo dân vô tội cầu nguyện trong nhà thờ bị thương, thậm chí thiệt mạng. Chính phủ thì không cung cấp các nguồn lực để chăm sóc đúng cách cho các tòa kiến trúc già nua này và không có sẵn đất ở gần đó để xây dựng các công trình mới. Bên cạnh đó, hầu hết nhà thờ không có mặt trong danh sách di sản cần được bảo vệ, và do đó, Giáo hội Công giáo có quyền hợp pháp để loại bỏ chúng.
Tất cả điều này là hoàn toàn đúng, nhưng tôi sợ rằng lịch sử sẽ không nhìn nhận đúng đắn với quyết định này. Việt Nam chưa phải là một nước giàu, và dễ hiểu được rằng người dân đặt sự tiện lợi lên trước di sản. Không ai có thể chỉ trích họ vì điều đó. Nhưng tôi không hoài nghi rằng Việt Nam rồi sẽ thịnh vượng. Các thế hệ sau sẽ đi ra nước ngoài, thưởng ngoạn các thành phố châu Âu, được tiếp xúc với tư duy thế giới... Và sớm muộn họ sẽ nhìn lại, nhớ về đất nước xinh đẹp mà họ đã lớn lên và đặt câu hỏi rằng ai phải chịu trách nhiệm cho sự mất mát những đặc sắc của đất nước. Thỉnh nguyện những giá trị mạnh mẽ tương tự và sự nhạy cảm sâu sắc mà Giáo hội Công giáo là hiện thân, họ có thể buồn bã nghi ngờ những quyết định của cha ông mình.
Thậm chí giờ đây, sau hậu quả của vụ hỏa hoạn thảm khốc tại nhà thờ Đức Bà ở Paris thì việc phá hủy nhà thờ Bùi Chu có thể gặp phải sự hoài nghi, thậm chí là tức giận. Trong nhiều giờ, cả thế giới đã dõi theo người dân Pháp đau đớn trước sự mất mát có thể xảy đến với một tượng đài yêu dấu, một nhân chứng của lịch sử đất nước họ và một công trình kiến trúc tráng lệ. Vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà là một thảm kịch, nhưng phản ứng phổ biến đối với nó là niềm xúc động sâu sắc. Và những cảm xúc được cất lên trên khắp thế giới đã trấn an về sự đoàn kết của chúng ta với di sản văn hóa, bất kể đức tin tôn giáo.
Tôi sợ rằng việc phá hủy nhà thờ chính tòa Bùi Chu cũng sẽ bị cả thế giới theo dõi với nỗi thống khổ. Bởi lần này sự mất mát sẽ không phải là một tai nạn bi thảm, mà là một hành động phá hủy có chủ ý. Người dân Việt Nam vẫn còn tức giận nhớ về việc những kẻ thực dân vô cảm đã phá hủy chùa Một Cột. Sẽ thật buồn nếu Giáo hội Công giáo Việt Nam được các thế hệ tương lai nhớ đến theo cách như vậy, liên quan đến các nhà thờ tráng lệ ở miền Bắc của đất nước.
Tuy nhiên, có một giải pháp thay thế. Một giải pháp rất tốt. Và thông qua bức thư này, tôi trân trọng đề nghị các cha xem xét nó.
Có lẽ không có một nhà thờ nào trong số các nhà thờ Công giáo ở miền Bắc Việt Nam tự mình có đủ điều kiện là di sản thế giới. Nhưng khi liên kết với nhau thành một mạch, chúng là một chuỗi thực sự độc đáo trên phạm vi toàn cầu. Những công trình tuyệt đẹp này kết hợp kiến trúc Pháp từ thời Beaux Arts với những nét chạm khắc rõ nét của Việt Nam, bao gồm các cột gỗ và trang trí bằng vữa gợi nhớ đến những ngôi chùa truyền thống. Những nhà thờ này có thể là một phần của một mạch du lịch rất thành công, mang lại việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, cũng như mang lại nguồn lực cần thiết cho việc duy tu và cải tạo chúng.
Thậm chí quan trọng hơn, Việt Nam đang nổi lên đầy thành công từ một lịch sử xung đột lâu dài. Cuộc xâm lược của một nước láng giềng hùng mạnh, thuộc địa của một thế lực ngoại bang, chiến tranh ở quy mô chưa từng có, và, tệ nhất là căng thẳng giữa những người Việt Nam có niềm tin khác nhau… Giáo hội Công giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành những vết thương này. Kitô hữu là một nhóm thiểu số ở Việt Nam, nhưng họ có thể được coi là những người đi đầu trong việc bảo vệ di sản văn hóa của đất nước. Làm như vậy, họ sẽ lấy được sự cảm thông và hỗ trợ từ những người thuộc mọi tín ngưỡng.
Chỉ mười ngày trước, chính phủ Việt Nam đã có một cử chỉ rất quan trọng đối với Giáo hội Công giáo. Ngay trong Tuần Thánh, chính quyền TP.HCM đã thông báo cho Tổng giám mục TP.HCM rằng nhà thờ Thủ Thiêm sẽ không bị phá hủy và được bảo tồn như một di tích lịch sử và văn hóa. Những tiếng vỗ tay đã vang lên trong nhà thờ khi tin tức được công bố vào cuối buổi lễ.
Chính quyền đã rất sáng suốt trong quyết định ấy của mình, và tất cả chúng ta đều cảm kích vì điều đó. Câu hỏi trân trọng của tôi dành cho các Đức cha, thưa các Đức cha kính mến, là liệu Giáo hội Công giáo Việt Nam có muốn đứng về phía phá hủy sau một cử chỉ đáng khích lệ như vậy từ chính quyền. Việc cứu nhà thờ Bùi Chu sẽ gửi một lời khích lệ mạnh mẽ đến những người trông coi các nhà thờ Công giáo ở các tỉnh khác.
Tôi không phải là người Việt Nam, tôi không phải là người Công giáo, nhưng tôi muốn cung cấp sự hỗ trợ đầy đủ của tôi tới các cha nếu các cha quyết định bảo vệ di sản tuyệt vời trong khả năng của mình. Tôi quyết tâm dành thời gian ở Việt Nam và dâng hiến năng lượng của mình cho sự phát triển đô thị bền vững ở Hà Nội và những vùng lân cận. Nếu các cha đồng ý, tôi sẽ rất vui khi được làm việc với các Đức cha, với các linh mục và với giáo dân địa phương, để làm cho các nhà thờ Pháp cổ ở miền Bắc tỏa sáng như một báu vật của Việt Nam.
Kính thư, với tất cả sự trân trọng dành cho các Đức cha!
Martin Rama
https://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/la-thu-keu-goi-giai-cuu-nha-tho-bui-chu-cua-ong-martin-rama-112266.html?fbclid=IwAR07udnAZjmUR61eg_QKkaGJVLw4tBy0rS0wseuyOXVZe4zNILZtsxfYTH4

Ông Martin Rama là Cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) và là Giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông đã sống ở Hà Nội trong 8 năm, từ 2002-2010, khi ông đảm nhiệm chức vụ Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ông cũng là tác giả của cuốn sách đoạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 - cuốn Hà Nội một chốn rong chơi.
Lá thư được ông viết với tư cách cá nhân, một người tha thiết yêu Việt Nam.