Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Nguyên tắc sống

 Nguyên tắc sống

Có 2 thứ bạn nên tiết kiệm, đó là sức khỏe và lời hứa.
Có 2 thứ bạn phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt.
Có 2 thứ bạn phải thay đổi, đó là bản thân và nhận thức.
Có 2 thứ bạn phải giữ gìn, đó là niềm tin và nhân cách.
Có 2 thứ bạn phải trân trọng, đó là gia đình và hiện tại.
Có 2 thứ bạn phải tự mình thực hiện, đó là lao động và chịu trách nhiệm với việc mình làm.
Có 2 thứ bạn phải lãng quên, đó là đau thương và hận thù.
Có 2 thứ bạn phải khắc ghi, là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
Có 2 thứ bạn buộc phải có để là người thành công, đó là đam mê và lòng kiên trì.
Có 2 thứ bạn không được làm, đó là hãm hại người khác và phản bội lòng tin.
Có 2 thứ bạn phải bảo vệ, đó là danh tín và lẽ phải.
Có 2 thứ bạn phải chấp nhận, là cái chết và sự khác biệt.
Có 2 thứ bạn phải kiểm soát, đó là bản năng và cảm xúc.
Có 2 thứ bạn phải tránh xa, đó là cám dỗ và sự ích kỷ.
Có 2 thứ bạn luôn phải sử dụng mà đừng hà tiện, là tiền bạc và kinh nghiệm.
Có 2 thứ bạn không được sợ sệt, là cái ác và sống thật.
Có 2 thứ bạn phải nuôi dưỡng, là tình yêu và sự bao dung.
Có 2 thứ mà bạn cần phải đạt được trong cuộc sống, đó là thành đạt và hạnh phúc.
Có 2 thứ bạn phải luôn sẵn sàng, đó là khó khăn và ngày mai.
Có 2 thứ bạn phải luôn ghi nhớ, đó là thực hiện những điều trên và làm thật tốt chúng trong cuộc sống hàng ngày.

Thiếu tướng Trần Minh Hùng: KHU VỰC NGƯỜI TRUNG QUỐC MUA ĐẤT LÀ TUYỆT MẬT

Thiếu tướng Trần Minh Hùng: KHU VỰC NGƯỜI TRUNG QUỐC MUA ĐẤT LÀ TUYỆT MẬT

"Không nên bán đất ở tuyến đường ven biển Đà Nẵng cho bất cứ cá nhân nào. Nếu vị trí này rơi vào tay kẻ khác thì rất nguy hiểm", thiếu tướng Trần Minh Hùng trao đổi

Lo lắng về việc người Trung Quốc giấu mặt mua đất ven biển ở TP Đà Nẵng gây xôn xao dư luận thời gian qua, Thiếu tướng Trần Minh Hùng - nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5 nói:

- Tôi rất bất ngờ và quan ngại vì không hiểu tại sao chính quyền thành phố lại phân lô bán đất khu vực này. Đất nước còn nghèo nhưng không vì thế mà đem diện tích đất ở khu vực nhạy cảm ra bán vì bất cứ lý do gì.

Quan điểm của cá nhân tôi là không nên bán đất ở tuyến đường ven biển Đà Nẵng cho bất cứ cá nhân nào, dù người đó là ai.

Thiếu tướng Trần Minh Hùng - nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Các tuyến đường này như thành lũy bảo vệ thành phố

- Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của tuyến đường ven biển Đà Nẵng đối với an ninh quốc phòng?

- Tôi phải nhấn mạnh rằng, toàn bộ tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp (từ chân núi Sơn Trà đến phường Điện Nam, xã Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là tuyệt mật, bất khả xâm phạm.

Lịch sử chiến tranh đã chứng minh, Đà Nẵng có vị trí đặc biệt quan trọng. Trong đó, các tuyến đường này như một thành lũy bảo vệ toàn thành phố. Vì vị trí quan trọng như vậy nên khi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mở đầu các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta đều xuất phát đánh chiếm bán đảo Sơn Trà. 

- Ông có thể phân tích sâu hơn vai trò của khu vực này đối với công tác phòng thủ, bảo vệ?

- Quân khu 5 là một trong những địa bàn chiến lược của cả nước. Trong đó, Đà Nẵng là một hướng chiến lược quan trọng của toàn chiến trường ven biển Quân khu 5. Còn khu vực Tây Nguyên được ví như "Nóc nhà Đông Dương".

Trong tác chiến quân sự, cách đánh chiếm bàn đạp ở tuyến mép nước ven biển là cực kỳ quan trọng. Chính vì tầm quan trọng như trên nên khi còn làm Phó tư lệnh Quân khu 5, tôi đã nhiều lần có ý kiến là toàn bộ đường ven biển nhạy cảm chỉ được sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng.

- Ông bình luận gì về thông tin nhiều người Trung Quốc nhờ các cá nhân người Việt đứng tên mua đất ở khu vực sát sân bay quân sự Nước Mặn?

- Đây là vấn đề mà chúng tôi vẫn ngày đêm đau đáu. Bởi lẽ, khi đã hợp thức hóa được các lô đất trên, người Trung Quốc đương nhiên sẽ sang đây làm ăn sinh sống, lấy vợ sinh con, đẻ cháu. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không xa khu vực này sẽ trở thành khu phố của người Trung Quốc.

Năm 2006, tôi đang là Phó tư lệnh Quân khu 5, một hôm, có vị cán bộ vào Đà Nẵng công tác rồi qua một resort ở ven biển nghỉ ngơi. Tôi mặc quân phục tới đó thăm thì lập tức bị nhân viên resort chặn lại, nói "ông là sĩ quan quân đội nên không được vào".

Tôi hỏi lý do thì họ nói, ở đây là khách sạn dành cho người nước ngoài ở nên không được vào. Tôi là tướng lĩnh quân đội mà còn bị ngăn cản như thế thì làm sao người dân, du khách có thể vào các khách sạn này được? Vấn đề đặt ra là người nước ngoài vào trong đó chỉ để ở hay làm gì khác?

Phải hiểu những khu đất chiến lược và bảo vệ chặt chẽ

- Nhưng thiếu tướng có cho rằng mình đang lo ngại quá xa?

- Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta là giải quyết tất cả các vấn đề bất ổn bằng biện pháp hòa bình. Không thể lấy tiếng súng để giải quyết mâu thuẫn.

Thực tế, chúng ta đang lấy "trí nhân để thay cường bạo". Tuy nhiên, ông cha ta đã răn dạy "cảnh giác không bao giờ thừa". Thế hệ trẻ phải biết rõ vai trò, vị trí của những khu đất chiến lược và nhạy cảm để gìn giữ và bảo vệ một cách chặt chẽ. 

- Theo ông, trước quan ngại của các chuyên gia, người dân, chính quyền Đà Nẵng cần làm gì?

- Theo tôi, đối với các khách sạn đã được xây dựng, lãnh đạo TP Đà Nẵng phải làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu họ mở cửa đón mọi du khách vào nghỉ dưỡng. Xây khách sạn trên lãnh thổ Việt Nam mà không cho người Việt vào là điều quá vô lý. Điều này nằm trong tầm tay của các cơ quan chức năng và chúng ta yêu cầu họ như thế cũng hoàn toàn đúng luật.

Đối với các lô đất nghi đã rơi vào tay người Trung Quốc, các cơ quan chức năng phải tìm cho ra ai là người đứng tên chủ sở hữu. Từ manh mối này, phải tìm hiểu xem họ mua đất bằng nguồn tiền nào? Có ai đứng sau đưa tiền nhờ mua các lô đất ở gần sân bay Nước Mặn.

Về lâu dài, lãnh đạo thành phố cần vận động các cá nhân đứng tên tự nguyện khai báo mục đích mua đất. Từ đó, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, thu hồi các lô đất theo đúng trình tự pháp luật.

Đó mới là giải pháp căn cơ nhất để chính quyền TP Đà Nẵng tháo gỡ những quan ngại của nhân dân và dư luận về vấn đề nhạy cảm có liên quan đến an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.

Thiếu tướng Trần Minh Hùng tham gia cách mạng từ lúc 12 tuổi với vai trò liên lạc xã đội, du kích xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Ông từng giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 - Quân khu 5; Phó tư lệnh Quân đoàn 3; Cục trưởng Cục quân huấn - Bộ Tổng tham mưu. Tháng 3/2006 đến tháng 3/2010, thiếu tướng Trần Minh Hùng là Phó tư lệnh Quân khu 5.
                                                                                Đoàn Nguyên  Zing.vn.

Các tướng lĩnh cảnh báo việc người Trung Quốc gom đất Đà Nẵng

Các tướng lĩnh cảnh báo việc người Trung Quốc gom đất Đà Nẵng

Trước sự chú ý của dư luận về vấn đề người Trung Quốc đứng sau việc mua đất ven biển tại khu vực cạnh sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 và Đại tá Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375 về vấn đề trên.

cac tuong linh noi ve viec nguoi trung quoc mua dat da nang
Thiếu tướng Trần Minh Hùng cho rằng khu vực ven biển Đà Nẵng là bất khả xâm phạm.
“Đây là khu vực bất khả xâm phạm”
-Thưa Thiếu tướng Trần Minh Hùng, thời gian qua, dư luận đặc biệt chú ý đến nghi vấn người Trung Quốc đứng đằng sau việc mua một loạt các khu đất ở khu vực ven biển, ngay cạnh sân bay Nước Mặn. Là một người đã từng chiến đấu nhiều năm tại khu vực này, Thiếu tướng đánh giá thế nào về chuyện này?
Tôi đánh giá đây là một khu vực nhạy cảm, quan trọng về an ninh quốc phòng. Theo quan điểm của tôi, tất cả các khu vực nhạy cảm thì không nên để người nước ngoài có các dự án. Nếu người Trung Quốc đứng đằng sau mua đất ven biển thì rất cần thẩm tra, xác minh thấu đáo.
Nếu những người đó có ý định nhập cư, phát triển kinh tế trong hợp tác thì đó là một việc nhưng nếu mua đất có ý đồ đằng sau thì dứt khoát phải dẹp bỏ. Đặc biệt là những khu nhạy cảm như sân bay Nước Mặn.
Dọc tuyến biển này người Trung Quốc rất đông nhưng không thể để họ tạo dựng lên một đường Trung Quốc, làng xóm, khu phố Trung Quốc, bãi biển Trung Quốc. Quan điểm của tôi đây là khu vực bất khả xâm phạm, dù làm kinh tế có lợi đến mấy, giàu đến mấy nhưng đối với dân tộc Việt Nam thì việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền phải đặt lên trên hết.   
-Thiếu tướng vừa nhắc đến sự bất khả xâm phạm của khu vực này ở góc độ an ninh, quốc phòng. Xin Thiếu tướng nói rõ hơn về điều này.
Để làm rõ về vấn đề này, trước hết chúng ta phải nói về tầm quan trọng của quân khu 5. Địa bàn quân khu 5 rất quan trọng, bởi vì tại đây có khu vực Tây Nguyên, là điểm cao có thể khống chế được toàn Đông Dương. Chiếm được Tây Nguyên là chiếm được Đông Dương.
Trở lại câu chuyện tuyến đường ven biển đang nghi vấn có người nước ngoài mua đất, tuyến đó nếu để những người có ý đố xấu, lợi dụng xây dựng những khách sạn kiên cố, khu nghỉ dưỡng nhưng ở dưới là hầm ngầm thì ai có thể biết được. Những nơi ấy mà cất giấu những gì hoặc có những hoạt động bất hợp pháp khó lường thì sao. Vì họ đã vào rồi, cho họ xây dựng, định cư rồi thì biết sao được.
Đây không phải là một nơi nhạy cảm mà là một nơi bất khả xâm phạm đối với chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trước đây, theo quy định, các nơi điểm cao đều từ bình độ 30 trở xuống, tức là 200m thì muốn làm gì thì làm còn từ 200m trở lên thì không được đụng chạm đến vì đó là nơi dành cho phòng thủ bảo vệ Tổ quốc tuyến ven biển. Kể câu chuyện đó để thấy, bờ biển của chúng ta vô cùng quan trọng.
Nhìn lại lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước. Còn trên địa bàn Đà Nẵng, không phải tự nhiên mà cả 2 lần bắt đầu chiến tranh, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chọn nơi đây mở đầu cho chiến tranh xâm lược. Muốn chia cắt miền Trung và đất nước thì chắc chắn quân địch sẽ chọn đánh chiếm tuyến ven biển rồi tấn công lên đường bộ.
-Vậy việc các dự án ven biển đang được triển khai và việc mua bán đất chưa rõ ràng tại Đà Nẵng sẽ ảnh hưởng như nào đến an ninh, quốc phòng?
Tôi kể một câu chuyện này, bên trong casino người Trung Quốc đầu tư tại Đà Nẵng, người lao động Việt vào làm việc tại đây phải bịt mắt lại rồi khi đi làm xong lại bịt mắt ra. Thử hỏi có cái điều luật nào đối xử với người lao động như thế không. Hay anh làm gì mờ ám, hệ thống hầm ngầm bí mật thế nào mà phải như vậy đối với người lao động? Phải làm rõ vấn đề này. Đối xử với người lao động Việt Nam như vậy là đúng hay sai. Và tại sao những dự án của người nước khác không làm như vậy mà chỉ có dự án của người Trung Quốc.
Nói câu chuyện trên để thấy, anh giao đất cho họ rồi, ở dưới họ xây hệ thống hầm ngầm như thế nào thì anh có thể biết. Bên trong đó họ cất giấu những thứ gì thì ai biết. Còn tầm quan trọng của khu vực này như thế nào thì tôi đã nói ở trên.
-Nhưng cũng có quan điểm nói bây giờ là thời bình, việc phát triển kinh tế là quan trọng. Cho người nước ngoài đầu tư tại các tuyến ven biển là để đem lại kinh tế cho đất nước. Vậy quan điểm của Thiếu tướng về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi nghĩ, làm gì thì làm điều đầu tiên phải nghĩ đến là an ninh quốc phòng, làm gì cũng phải nghĩ đến vận mệnh Tổ quốc và cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Nhưng không phải vì lẽ đó mà để chúng ta nghèo khổ mà phải khéo léo xây dựng kinh tế. Để cho dân đói là có tội, là không chấp nhận được. Nhưng không phải vì đó mà bất chấp.
Xây dựng đất nước thì không thiếu cách gì cách, phát triển kinh tế không thiếu gì cách mở ra các dự án nhưng phải chọn đối tác một cách cẩn thận.
Nếu để xảy ra chiến tranh là chuyện cuối cùng, nhưng giữ hòa bình để ổn định, phát triển kinh tế mới là khó. Vừa đấu tranh, vừa xây dựng đất nước mới là đối sách hợp lý. Trên góc độ của nhà quân sự, tôi nghĩ đất đai đã “nhỡ” bán cho người nước ngoài thì phải tìm cho bằng được nguồn gốc tiền mua, của những người đứng đằng sau đó để giải quyết vấn đề theo luật pháp của Việt Nam. Nếu hiện tượng người Việt đứng đằng sau mua đất thì nói nôm na chính là “nối giáo cho giặc”.
“Khả năng phòng thủ, tấn công của sân bay Nước Mặn coi như bỏ”
- Nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375, là đơn vị tiếp quản sân bay Nước Mặn từ sau giải phóng đến năm 1995, Đại tá đánh giá thế nào về việc một loạt đất ven sân bay này được bán đi và nghi vấn là có người Trung Quốc đứng đằng sau mua.
Nghe thấy có 246 lô đất đã bán dọc sân bay Nước Mặn, mà nghi là có người Trung Quốc đứng đằng sau mua thì cảm giác đầu tiên của tôi là thấy quá shock. Đây là một khu vực quan trọng và nhạy cảm.
Năm 1975, sau giải phóng thì Sư đoàn 375 bố trí ở đó 2 Đại đội pháo cao xạ và 1 Tiểu đoàn tên lửa phòng không. Việc bố trí trận địa phòng không ở đây là để giữ phía mặt biển, điều này rất quan trọng. Sư đoàn 375 bàn giao sân bay Nước Mặn cho bên Hải quân từ 1995, khi ấy thì phía ngoài biển chỉ toàn trồng cây chắn sóng và không cho làm nhà ở khu vực xung quanh.
cac tuong linh noi ve viec nguoi trung quoc mua dat da nang
Đại tá Nguyễn Lành.
 Năm 1993, Thượng tướng Đào Đình Luyện, Tổng Tham mưu trưởng QĐND có gặp tôi và nói: “Anh Lành, khu đất này không được giao cho ai làm kinh tế nhé”. Hồi đó, có ý kiến định xây khách sạn của quân chủng nhưng rồi không tiến hành vì không được xây nhà cao tầng ở quanh sân bay. Kể câu chuyện đó để biết, việc bán đất ở khu vực này cho người nước ngoài là sai lầm.
Dù đã nghỉ hưu nhưng tôi hỏi một số người còn đang làm là sao lạ thế, đất của mình sao lại bán đi. Tôi cũng đã hỏi Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng, Đại biểu Hội đồng nhân dân về chuyện này. Anh Hùng bảo là tôi đã hỏi rất nhiều lần ở Hội đồng nhân dân rồi nhưng không có ai trả lời.
-Đất xung quanh sân bay Nước Mặn đã bán, và còn xây một số khách sạn cao tầng. Với kinh nghiệm từng là một Sư đoàn trưởng một sư đoàn phòng không, ông nghĩ gì về chuyện này?
Trong quân sự, một khẩu súng AK của lính bộ binh sẽ bắn khác, tầm sát thương khác và góc che khuất sẽ rất ít. Còn với phòng không, mục tiêu càng xa lại càng cần góc bắn hạ thấp. Đối với các loại pháo cao xạ sẽ cần một góc xạ giới rộng. Tên lửa thì lại là bắn đón tầm xa, góc lại càng phải hạ xuống. Bây giờ làm nhà cao tầng lên, tầm bắn sẽ bị khuất, không bắn được.
Việc xây dựng các khách sạn, tòa nhà cao thì rõ ràng ảnh hưởng rất nhiều đến pháo phòng không và việc tác chiến tên lửa. Để cho góc xạ giới rộng, nhất thiết không được xây dựng nhà cao tầng quanh các sân bay quân sự. Cứ tưởng tượng, cần bắn một mục tiêu ở xa, hạ góc của pháo và tên lửa xuống thấp thì vướng vào nhà cao tầng, bắn sao làm sao được.
-Cụ thể hơn, việc xây khách sạn JW Marriott 18 tầng, cao khoảng hơn 50m thì ảnh hưởng như thế nào đến sân bay Nước Mặn?
Xây một tòa nhà cao tầng gần một sân bay quân sự không khác gì bỏ đi việc máy bay cất, hạ cánh tại sân bay. Máy bay sẽ không lên xuống được vì khi máy bay từ trên cao xuống, đến 1 độ cao nhất định, phải bỏ càng, hạ độ cao xuống tiếp đất. Từ sân bay đến khu vực được xây nhà cao tầng, phải ít nhất 3km. Nhất là với một sân bay quân sự, có diện tích nhỏ như sân bay Nước Mặn, càng phải tuân thủ điều này. Mà với khoảng cách 3km, cũng chỉ có thể cho xây nhà cao khoảng 12m, tương đương 3 tầng, 4 tầng thôi.
Như khách sạn JW Marriot cao tầm 50m, thì khả năng cả tấn công, cả phòng thủ của sân bay Nước Mặn coi như bỏ đi. Vì có nhà cao tầng che mất góc xạ giới của pháo cao xạ và tên lửa thì không phòng thủ được. Đó là hạn chế hỏa lực phòng thủ. Cũng nhà cao tầng ấy che mất đường cất cánh, hạ cánh của máy bay thì tấn công kiểu gì.
Nói cách khác, sân bay Nước Mặn bây giờ chỉ có thể dùng cho máy bay lên thẳng là trực thăng.
cac tuong linh noi ve viec nguoi trung quoc mua dat da nang
Khách sạn JW Marriott cao 18 tầng đang hạn chế khả năng phòng thủ và tấn công của sân bay Nước Mặn.
-Vậy nhìn ra rộng hơn, bờ biển Đà Nẵng bây giờ lấp đầy các dự án sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc tác chiến phòng thủ của khu vực này?
Tầm bắn của tên lửa bờ đối hạm của quân đội ta khoảng 80km - 150km, khi tác chiến sẽ phải đặt ở bờ biển, trong khi dọc bờ biển các công trình chắn hết thì đặt ở đâu? Và với tên lửa bờ, góc xạ giới phải rộng, trong khi lại bị chắn bởi nhà cao tầng.
Bây giờ, phát hiện mục tiêu tất cả bằng rada, nhưng trong thực chiến, việc quan sát bằng mắt thường cũng đóng một vai trò nhất định. Mà những nhà cao tầng xây xung quanh sẽ hạn chế rất nhiều trong bổ trợ tác chiến. Nếu đó là khách sạn của người Việt Nam đã rất ảnh hưởng, chưa kể đó là khách sạn của người nước ngoài thì việc đó càng nghiêm trọng hơn.
                                                                                                 

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Cảnh báo 5 căn bệnh khi nguy hiểm khi bị tê tay

Cảnh báo 5 căn bệnh khi nguy hiểm khi bị tê tay

Tê tay không có gì đáng lo nếu tình trạng này kéo dài nhiều lần với tuần suất tăng cao, nhất là sáng sớm lúc ngủ dậy. Tê tay kéo dài là dấu hiệu của 5 căn bệnh nguy hiểm sau.
1. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa cột sống cố thường có biểu hiện đa dạng tùy vào cá nhân và tình trạng trên đang ở giai đoạn nào, trong đó có triệu chứng tê tay. Tuy nhiên, bạn cần phải hết sức lưu ý khi tê tay có kèm theo các cơn đau, phạm vi tê lan rộng ở cánh tay, bả vai, đau nhức lưng... thì rất có khả năng bạn mắc phải chứng thoái hóa đốt sống cổ. Các triệu chứng này biểu hiện rõ ràng nhất sau khi ngủ dậy.
Tê tay kèm theo triệu chứng đau lan rộng bả vai, cánh tay là triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ.
Các dây thần kinh bị chèn ép ngay đốt sống cổ do tư thế ngủ khiến mạch máu không lưu thông đến tay là một trong những nguyên nhân gây tê. Tuy nhiên ,đó chỉ là nguyên nhân thường gặp ở những người có tư thế ngủ không tốt.
Làm việc trước máy tính quá lâu, lười vận động mới là nguyên nhân chính khiến bạn bị tê tay. Ban đầu người bệnh chỉ có dấu hiệu tê các đầu ngón tay, bệnh tiến triển nặng khiến triệu chứng kéo dài, thường xuyên gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động và làm việc hằng ngày.
2. Chèn ép dây thần kinh giữa ống cổ tay
Dây thần kinh giữa nhận cảm giác của ngón trỏ và ngón 2, 3 bị chèn ép là nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay. Hội chứng này cũng là một trong các nguồn căn gây ra chứng tê tay.
Ngoài tê thì cảm giác như kim chích, đau nhức, đặc biệt ở các ngón cái, ngón giữa là biểu hiện rõ ràng nhất của căn bệnh này. Sau khi ngủ dậy, ban đêm là các thời điểm cơn đau, tê nhức hành người bệnh nhiều nhất.
Tê tay là dấu hiệu điển hình của hội chứng đường hầm ống cổ tay.
3. Tiểu đường
Các dây thần kinh ngoại biên sẽ bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến tình trạng tê tay khi cá nhân bị chứng tiểu đường.
Tiểu đường khiến lượng cholesterol trong máu tăng cao, kết hợp với các tế bào xấu trong máu hình thành các mảng xơ vữa chắn ngang lòng mạch gây tắc nghẽn lưu thông máu đến tay, lâu ngày làm cho các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương nghiêm trọng.
Các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương gây chứng tê tay ở người tiểu đường.
4. Thiếu máu não cục bộ 
Tê tay chân kèm theo các triệu chứng choáng váng, mệt mỏi, nhức đầu, mắt mờ diễn ra trong thời gian ngắn thì phải nghi ngờ ngay bản thân bị thiếu não cục bộ. Tuy tình trạng này không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe và có thể phục hồi trong vòng 24 giờ nhưng nếu không chữa trị, nguy cơ tai biến mạch máu não rất cao.
5.  Bệnh tim
Nguy cơ bạn bị mắc bệnh tim rất cao nếu sau khi ngủ dậy chứng tê tay tăng cao. Ngoài tê tay, các khớp nhỏ như chân, tay, mắt cá sưng to, đau nhức khiến bạn cảm thấy khó chịu và đau khi di chuyển. Hoạt động bơm của tim không tốt khiến lượng máu lưu thông đến tay, thậm chí là chân không đầy đủ khiến  bạn có các triệu chứng như trên.
Tê tay kèm theo theo triệu chứng sưng khớp tay là dấu hiệu bệnh tim.
Tê tay là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh nguy hiểm ảnh hương nghiêm trọng đến sức khỏe mà bạn không ngờ tới. Do đó, khi có triệu chứng tê tay kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, người bệnh phải nhanh chóng thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Trinh Dương (Theo Zing)

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Buông đao thành Phật


Buông đao thành Phật


 Lịch sử sẽ rất công bằng khi phán xét, bởi quá khứ đã qua không thể thay đổi, nhưng thay đổi tương lai là điều nằm trong tầm tay, miễn là các nhà lãnh đạo ...
Người dân Myanmar lại mới nhận thêm một tin mừng khi Thống tướng Than Shwe, chính trị gia quân sự được cho là có ảnh hưởng lớn nhất trên bầu trời chính trị quốc gia Đông Nam Á này dù đã về hưu từ năm 2010, tuyên bố xem bà Aung San Suu Kyi là một "nhà lãnh đạo tương lai" của đất nước.
Thống tướng Than Shwe, ảnh: BBC/Getty.
Từ kẻ thù thành đối tác
Chỉ mới 5 năm trước, tướng Than Shwe đã từng ra lệnh quản thúc tại gia 21 năm đối với bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD), chủ nhân của giải Nobel hòa bình năm 1991.
Trong cuộc bầu cử năm 1990, NLD đã giành thắng lợi áp đảo, nhưng chính quyền quân sự dưới thời tướng Than Shwe đã bỏ qua kết quả này.
Tướng Than Shwe năm nay 82 tuổi, từng cai trị Myanmar trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 2011, trước khi chuyển giao quyền lực cho một chính phủ bán quân sự do quân đội hậu thuẫn và trung thành với mình do tướng Thein Sein đứng đầu.
Tờ Myanmar Times ngày 7/12 có bài điểm lại cuộc đời và sự nghiệp của chính trị gia quyền lực bậc nhất sau màn trướng này với tít bài: "Than Shwe: Từ nhân viên bưu điện đến nhà độc tài quân sự".  
Myanmar Times bình luận, dù không xuất hiện nơi công cộng trong suốt 4 năm qua, nhưng tướng Than Shwe vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh đằng sau hậu trường.
Bà Aung San Suu Kyi đã bị chính quyền quân sự dưới thời Thống tướng Than Shwe quản thúc tại gia trong 15 năm. Cuộc gặp giữa hai chính khách cựu thù hôm 4/12 và kết quả tốt đẹp của nó được Myanmar Times xem như bước ngoặt lịch sử.
Động thái này đã xác nhận vai trò mới của tướng Than Shwe như một kiến trúc sư của quá trình chuyển đổi chính quyền quân sự sang dân sự.
Cuộc gặp lịch sử
Cuối ngày 5/12 cháu nội của Thống tướng Than Shwe, Nay Shwe Thway Aung đã viết trên Facebook của mình rằng, bà Aung San Suu Kyi và tướng Than Shwe đã có cuộc gặp kéo dài 2 tiếng hôm Thứ Sáu 4/12 tại nhà riêng của ông.
Cháu nội Than Shwe dẫn lời ông mình cho biết: "Mọi người phải chấp nhận sự thật rằng, Daw Aung San Suu Kyi sẽ là nhà lãnh đạo tương lai của Myanmar sau thắng lợi trong cuộc bầu cử." Trong tiếng Myanmar, Daw là một tiền tố/kính ngữ thể hiện sự tôn trọng khi gọi tên người khác.
"Tôi thực lòng ủng hộ bà ấy hết khả năng có thể nếu bà muốn phát triển đất nước", Thống tướng Than Shwe nói. Theo The Straits Times, người phát ngôn của NLD Win Myint xác nhận cuộc gặp diễn ra tối Thứ Sáu.
Vợ chồng Thống tướng Than Shwe cầu nguyện cho tướng Aung San, cha đẻ bà Aung San Suu Kyi tại một ngôi chùa. Ảnh: The Irrawaddy.
Win Htein, một nghị sĩ của đảng NLD nói rằng, bà Aung San Suu Kyi gặp tướng Than Shwe vì bà tin vào ảnh hưởng của ông đối với chính phủ và quân đội Myanmar.  
Cuộc gặp lịch sử xảy ra bất ngờ sau khi bà Aung San Suu Kyi đã có các cuộc tiếp xúc và làm việc với Tổng thống Thein Sein, Chủ tịch Quốc hội Shwe Man, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing bàn về hòa giải dân tộc, thúc đẩy chuyển giao quyền lực.
Xóa bỏ hận thù
15 năm năm bị quản thúc tại gia mà không có bất kỳ bản án nào, người ta không nhận thấy bất kỳ sự thù hận nào từ người phụ nữ này đối với những người đã giam cầm bà. Ngược lại, bà Aung San Suu Kyi đã tìm cách đối thoại và nuôi dưỡng một quan hệ tốt đẹp với các "cựu thù" và nỗ lực thúc đẩy một chính phủ dân sự chia sẻ quyền lực với quân đội.
Nehginpao Kipgen, một nhà bình luận chính trị Myanmar nói với Myanmar Times, bà Aung San Suu Kyi sẽ đảm bảo an toàn, an ninh cho các cựu lãnh đạo cũng như các tướng lĩnh quân đội khi bà lên nắm quyền điều hành đất nước sau bầu cử.
Trên trang Facebook của mình, cháu nội tướng Than Shwe cho rằng, tinh thần hòa giải dân tộc của bà Aung San Suu Kyi có thể bao gồm một sự đảm bảo như vậy. Bởi bà Aung San Suu Kyi từng nói: 
"Tôi không có khái niệm trả thù bởi nó chỉ gây hại cho đất nước. Để xây dựng tương lai cho đất nước thành công, NLD cần hợp tác với tất cả các đảng phái, bao gồm cả các tướng lĩnh. Tôi muốn gặp Thống tướng Than Shwe".
Ko Nay Shwe Thway Aung cũng đăng tải một thông điệp với sự đồng ý của cả NLD và ông nội mình, giải thích rằng lý do quân đội từ chối chuyển giao quyền lực cho NLD một cách hòa bình sau cuộc bầu cử năm 1990 là vì "thiếu vắng sự tin cậy đối với NLD":
"Kết quả là có một sự hiểu lầm của công chúng về các tướng lĩnh quân đội và các thành viên của đảng thắng cử (NLD năm 1990) đã bị bắt giữ, đất nước thì bị áp đặt lệnh trừng phạt quốc tế, đau khổ kéo dài hơn 25 năm qua".
Cơ hội làm Tổng thống
Mặc dù chưa có thông báo chính thức nào về nội dung cuộc họp giữa bà Aung San Suu Kyi với các tướng lĩnh quân đội đương nhiệm lẫn nghỉ hưu có ảnh hưởng đến nền chính trị đất nước được công bố, nhưng những hoạt động của bà và hưởng ứng từ lãnh đạo quân sự đã làm lóe lên tia hy vọng bà có thể sớm trở thành Tổng thống Myanmar.
Dưới thời Thống tướng Than Shwe, phe quân sự đã mất 18 năm xây dựng hiến pháp với các điều khoản bảo vệ lợi ích của mình. Năm 2008, các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar sửa hiến pháp với quy định cấm các ứng cử viên có vợ/chồng hoặc con cái mang quốc tịch nước ngoài được đảm nhiệm cương vị Tổng thống, một quy định nhằm chặn đường bà Aung San Suu Kyi ngồi vào cương vị này.
Bà Aung San Suu Kyi, ảnh: EPA.
U Aye Thu San, biên tập viên Myanmar Times ngày 7/12 nhận định rằng, có hy vọng bà Aung San Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống kế nhiệm tướng Thein Sein, mặc dù thay đổi hiến pháp đòi hỏi phải có sự đồng ý của quân đội vốn có quyền phủ quyết thông qua 25% số ghế mặc nhiên trong quốc hội.
U Than Soe Naing, một nhà phân tích chính trị nói với Myanmar Times, tuyên bố mới nhất của tướng Than Shwe về bà Aung San Suu Kyi đã mang lại hy vọng cho người dân. Tuy nhiên kết quả cuối cùng vẫn còn phải chờ thời gian cũng như những nỗ lực từ cả hai phía.
"Khả năng bà Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống cũng sẽ phụ thuộc vào cách thức bà xây dựng cơ cấu Nội các mới. Việc đưa vào Nội các những Bộ trưởng hiện nay của đảng USDP sẽ có ảnh hưởng đối với nhiệm kỳ Tổng thống của mình.
Tôi nghĩ rằng hiến pháp hiện nay không thể sửa đổi mà không cần sự đồng ý của Than Shwe. Đó có thể là một điểm khởi đầu để bà Aung San Suu Kyi lên làm Tổng thống", U Than Soe Naing nhận định.
The Wall Street Journal ngày 7/12 dẫn lời Richard Horsey, một nhà phân tích độc lập ở Yangon, Myanmar nhận xét, việc các tướng lĩnh Myanmar từ Than Shwe, Thein Sein, Shwe Man cho đến Min Aung Hlaing ủng hộ bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền đã cho thấy, quân đội đang háo hức để được nhìn nhận như là một lực lượng bảo đảm cho nền dân chủ phát triển mạnh ở Myanmar.
Buông đao thành Phật
Thông tin về cuộc gặp giữa bà Aung San Suu Kyi với Thống tướng Than Shwe cùng bầu không khí thân thiện, những đánh giá tốt đẹp dành cho nhau đang nhận được sự hoan nghênh, hưởng ứng và khen ngợi dặc biệt từ dư luận Myanmar, đặc biệt là trên truyền thông báo chí cũng như mạng xã hội.
Tiếp theo lời chúc phúc chân thành và cam kết chuyển giao quyền lực trong hòa bình của Tổng thống Thein Sein là đến những phát biểu làm nức lòng người dân Myanmar từ Thống tướng Than Shwe. Có lẽ đó là những dấu hiệu một kỷ nguyên mới đang bắt đầu trên quốc gia Đông Nam Á này.
Nếu như bà Aung San Suu Kyi trở thành anh hùng đấu tranh cho tự do, dân chủ và tương lai của dân tộc Myanmar, Tổng thống Thein Sein và các tướng lĩnh quân đội đương quyền được biết đến như những người tạo môi trường nuôi dưỡng nền tự do - dân chủ và tương lai ấy thì "Thái thượng hoàng" Than Shwe - người có quyền lực đặc biệt sau hậu trường chính trị Myanmar càng đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi hòa bình chính quyền quân sự sang dân sự.
Phương ngôn có câu, ai thắt nút chuông thì người đó cởi. Điều này thật trùng hợp trong trường hợp của Myanmar, một đất nước mà Phật giáo Nguyên thủy là quốc đạo. Quay đầu là bờ, buông đao thành Phật có lẽ đã trở thành chọn lựa của các nhà chính khách quân sự, các tướng lĩnh quyền lực và quyền lợi đầy mình trước vận hội mới, tương lai, tiền đồ của dân tộc.
Họ đã chiến thắng chính mình, một chiến thắng khó khăn nhất và cũng vẻ vang nhất. Với những gì đã và đang diễn ra, hy vọng tương lai mới, cuộc sống mới hồi sinh đem lại ấm no, hạnh phúc, bình yên và thịnh vượng đang đến với Myanmar.
Dư luận khu vực cũng như cộng đồng quốc tế đang dõi theo những diễn biến chính trị mới nhất tại đất nước Chùa Vàng với mong mỏi, chúc phúc và hy vọng Myanmar chuyển đổi trong hòa bình và vươn lên mạnh mẽ.
Lịch sử sẽ rất công bằng khi phán xét, bởi quá khứ đã qua không thể thay đổi, nhưng thay đổi tương lai là điều nằm trong tầm tay, miễn là các nhà lãnh đạo biết hy sinh lợi ích riêng vì quốc gia, dân tộc, đoàn kết cùng nhau kiến tạo nên tương lai tốt đẹp ấy.
Hồng Thủy (GDVN)